Điều này không hề dễ dàng vì theo thông lệ hàng năm, mức tăng trưởng tín dụng của các tháng cuối năm chỉ khoảng 2%/tháng.
Chạy đua tăng trưởng tín dụng
Để có thể đáp ứng được chỉ tiêu cuối năm, trong hơn một tháng qua, thị trường cho vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đều trở nên nhộn nhịp. Từ việc đưa ra các chương trình khuyến mãi cho vay vốn giá rẻ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đến việc chủ động tìm khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng được các ngân hàng hoạt động hết công suất. Liên kết với các dự án bất động sản cũng được các ngân hàng đẩy mạnh.
Tuy nhiên, điều tạo áp lực của NHNN hiện nay là với các ngân hàng nhỏ, tăng trưởng tín dụng đang ở mức cao, không những thế còn đột biến sau 3 quý đầu năm. Điều này đồng nghĩa với việc room còn lại cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng này trong 2 tháng cuối năm không còn nhiều. Điển hình như LienVietPostBank với tốc độ cho vay 28%, TPbank đã tăng trưởng tín dụng 27%, Nam A Bank tăng 24%...
Các ngân hàng đua nhau cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm 18 - 20%. |
Dù vậy, một số ngân hàng cho rằng, mặc dù tỷ lệ tín dụng tăng cao, nhưng xét về con số tăng tuyệt đối thì không lớn, mới đạt vài chục nghìn tỷ đồng, có khi chỉ tương đương bằng dư nợ cho vay của một chi nhánh ngân hàng lớn. Vì thế, tỷ lệ tín dụng có tăng vài chục phần trăm cũng không đáng lo ngại. Đây cũng là lý do thời gian qua đã có một số ngân hàng xin nới room để tiếp tục có thể tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, mới đây Viet Capital Bank đã được NHNN chấp thuận cho nới room tín dụng lên 30%.
Trong khi đó, trong một báo cáo mới đây, World Bank nhận định tăng trưởng tín dụng Việt Nam vẫn ở mức cao, làm dấy lên quan ngại về tăng rủi ro đối với ổn định tài chính trong trung hạn. Để theo đuổi chỉ tiêu chính thức về tăng trưởng tín dụng, NHNN đã phải nới lỏng chính sách cẩn trọng vĩ mô, bao gồm điều chỉnh trọng số rủi ro và hệ số vốn vay dài hạn trên tiền gửi ngắn hạn, làm tăng thanh khoản để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo tính toán của World Bank, mức tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đã cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP, có thể làm tăng những rủi ro hiện hữu về ổn định tài chính, đặc biệt với tỷ lệ tín dụng trên GDP, hiện ở mức 112%, vốn đã cao cho quốc gia ở mức thu nhập như Việt Nam.
Giảm lãi suất huy động để giảm rủi ro
Những quan ngại trên là có cơ sở trong điều kiện các món nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều ngân hàng. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu các ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu này thì nhiều khả năng sẽ làm cho tình trạng thanh khoản trở nên căng thẳng và khi mà sự hỗ trợ từ thị trường ít đi, sẽ càng khiến cho lãi suất huy động bị đẩy lên, từ đó gây áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay.
Trước bối cảnh này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng nhận định, lãi suất cho vay khó có thể giảm, đặc biệt là trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa mới tăng lãi suất cơ bản USD vào ngày 14/12 vừa qua. Theo đó, nếu không thận trọng thì không chỉ người vay sập “bẫy” lãi suất cao, mà ngân hàng cũng phải “gánh” nợ xấu, do không sàng lọc tốt và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cũng thừa nhận dư nợ tín dụng trên địa bàn đang tăng nhanh, ước tính cả năm đạt mức tăng trưởng như mục tiêu đề ra là từ 18 - 20%. Tuy nhiên, điều lo ngại là tăng trưởng cao nhất vẫn là dư nợ cho vay tiêu dùng, nhưng tỷ lệ nợ xấu của phân khúc tín dụng này cũng tỷ lệ thuận với tăng trưởng dư nợ.
Để giảm áp lực thanh khoản cũng như giảm áp lực tăng trưởng nóng tín dụng vào cuối năm, gần đây các NHTM đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, việc hạ lãi suất huy động lần này được xem là cách có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất lần này chỉ tập trung ở các ngân hàng có thị phần và tình trạng thanh khoản tốt. Trong đó, phải kể đến là ngân hàng BIDV, Agribank đã hạ từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn khác nhau; còn NHTM khác hạ lãi suất huy động ở mức thấp hơn, ở mức khoảng 0,1%/năm như ở ngân hàng Sacombank, Bản Việt... Ở chiều ngược lại, cũng có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài từ 0,2 -0,8%/năm như tại ngân hàng VIB, PVcomBank.
Cũng theo nhận định của TS Tín, việc một số NHTM giảm lãi suất huy động từ 0,1 -0,3%/năm không chỉ diễn ra trong những ngày gần đây mà đã xuất hiện thỉnh thoảng một số đợt trong năm nay với biên độ rộng hơn từ 0,2 -0,5%/năm. Tuy vậy, nhiều khó khăn cho việc hạ lãi suất huy động cũng khó cản trở các ngân hàng trong việc hạ hoặc tiếp tục duy trì ổn định lãi suất cho vay trong tháng cuối năm nay, bởi lãi suất huy động chỉ là một yếu tố cấu thành nên chi phí trong việc xác định lãi suất cho vay.