Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12/9 đã ra lệnh tăng cường an ninh tại các cơ sở ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới, sau khi
Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libi) và Đại sứ quán Mỹ ở Cairô (Ai Cập) bị tấn công, khiến 4 công dân Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ ở Libi.
Trong tuyên bố ngày 12/9, Tổng thống Obama đã ra lệnh “huy động mọi nguồn lực cần thiết để bảo đảm an toàn cho các công dân Mỹ ở Libi và tăng cường an ninh cho tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu”. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập tức phối hợp triển khai mệnh lệnh này. Hải quân Mỹ ngay trong ngày 12/9 đã cử một đội chống khủng bố gồm khoảng 50 thành viên đến Libi.
Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi bị người biểu tình Libi tấn công và phóng hỏa. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Cùng ngày, nhà chức trách Mỹ và Libi xác nhận, Đại sứ Mỹ tại Libi, Christopher Stevens cùng ba quan chức khác của Mỹ đã thiệt mạng khi hàng trăm người biểu tình tấn công tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi và phóng hỏa vào tối 11/9. Hãng tin Mỹ AP cho biết, Đại sứ Stevens, 52 tuổi, đã cùng một nhóm nhân viên ngoại giao Mỹ tới Lãnh sự quán ở Benghazi nhằm giải cứu các đồng nghiệp và bị tử vong do ngạt khói.
Người biểu tình Ai Cập tràn vào Đại sứ quán Mỹ, thay cờ Mỹ bằng cờ Hồi giáo. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Trước đó vài tiếng, Đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Cairô cũng phải hứng chịu cuộc tấn công của người dân địa phương. Phóng viên TTXVN tại Ai Cập cho biết, chiều 11/9, khoảng 3.000 người, hầu hết là những tín đồ Hồi giáo cực đoan của phong trào Salafist, đã biểu tình trước trụ sở Đại sứ quán Mỹ. Một số đối tượng quá khích đã trèo lên các bức tường bao quanh Đại sứ quán, trong khi những người khác lọt được vào khuôn viên sứ quán, xé cờ Mỹ và thay bằng một lá cờ Hồi giáo màu đen.
Ngày 12/9, Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 14/9.
Trước tình hình an ninh bất ổn này, các đại sứ quán Mỹ tại hai nước láng giềng của Libi là Angiêri và Tuynidi đã đưa ra cảnh báo về an ninh cho công dân Mỹ. Trong một thông báo khẩn, Đại sứ quán Mỹ ở Tuy nidi khuyến cáo các công dân Mỹ không đến những nơi tập trung đông người để tránh trở thành mục tiêu tấn công. Đại sứ quán Mỹ ở Angiêri cũng cảnh báo về việc một số nhóm đã sử dụng các mạng xã hội để kêu gọi biểu tình chống Mỹ.
Nguyên nhân dẫn đến các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở ngoại giao Mỹ được cho là một bộ phim sản xuất tại Mỹ, có nội dung xúc phạm đạo Hồi và Đấng tiên tri Mohamed. Các hãng tin nước ngoài cho biết, một số người Công giáo Coptic Ai Cập đang sinh sống tại Mỹ đã sản xuất và dự kiến phát sóng một bộ phim dài 13 phút mang tên "Phiên tòa xét xử Mohamed" nhân kỷ niệm 11 năm cuộc tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ.
Ngay lập tức, bộ phim này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo tại Ai Cập. Đảng Salafist Nour, đóng vai trò hàng đầu trong cuộc biểu tình ở Ai Cập, đã gửi yêu cầu đến Đại sứ quán Mỹ đòi chính phủ Mỹ cấm phát sóng bộ phim và có lời xin lỗi chính thức. Liên đoàn Arập (AL) cũng lên án bộ phim và cho biết các cộng đồng Hồi giáo và Thiên chúa giáo trong toàn thế giới Arập đều phản đối bộ phim này. Giáo hội Chính thống giáo Coptic và Giáo hội Tin lành Ai Cập cũng lên án bộ phim và cho rằng bộ phim không đại diện cho cộng đồng Công giáo Ai Cập.
Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước khác đã lên án các vụ tấn công nhằm vào cơ sở ngoại giao của Mỹ, Tổng thống Obama gọi vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi là một hành động "tàn bạo". Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italia Mario Monti, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cũng kịch liệt lên án vụ tấn công trên, đồng thời yêu cầu chính phủ Libi nhanh chóng đưa thủ phạm ra trừng trị trước pháp luật.
Về phía nước sở tại, Chủ tịch Quốc hội Libi Mohamed al-Megaryef ngày 12/9 đã lên tiếng xin lỗi chính phủ và người dân Mỹ cũng như toàn thế giới về vụ việc trên, cam kết sẽ sớm đưa thủ phạm ra trước pháp luật, đồng thời cho biết các cơ sở nước ngoài ở Libi đang được lực lượng an ninh nước này bảo vệ. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng khẳng định sẽ thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh cho tất cả các phái đoàn ngoại giao.
A.M