Chiều 21/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Việc làm.
Phòng ngừa môi giới “ma”
Nhiều đại biểu tán thành với những nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Việc làm của UBTVQH. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn đối với một số nội dung trong luật, nhằm nâng cao hơn nữa quyền lợi chính đáng của người lao động, trong đó có quyền được làm việc và được hưởng trợ cấp khi thất nghiệp. Thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm ở tỉnh, thành phố giúp người lao động và đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động liên kết với nhau.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu ý kiến về Luật Việc làm. Trọng Đức – TTXVN |
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, trong luật cần quy định việc thành lập các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các tỉnh, thành phố nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương từ dự báo, lên kế hoạch sử dụng lao động và giới thiệu việc làm.
Tại buổi làm việc chiều 21/10, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão, lũ. |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị tạo điều kiện phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm để liên kết người lao động và các doanh nghiệp. “Nhưng phải có sự kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm này, tránh tiêu cực, lợi dụng để thu tiền của người lao động”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
Về vấn đề cấp phép các cơ sở đào tạo nghề, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, luật cần quy định cụ thể việc cấp phép hoạt động đối với các trung tâm đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và có cơ chế thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trung tâm nói trên. Phân cấp cho chính quyền địa phương được thành lập các trung tâm dạy nghề để tránh dồn vào các cơ quan Trung ương.
Công bằng trong hỗ trợ
Đề cập đến chính sách hỗ trợ cho vay vốn đối với người đi làm việc ở nước ngoài, có ý kiến đề nghị ngoài hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số… cần bổ sung đối tượng là người Kinh nhưng sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhằm tạo sự bình đẳng trong chính sách hỗ trợ.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, cùng với chính sách hỗ trợ người đi lao động ở nước ngoài, cần có chính sách hỗ trợ việc làm đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng có điều kiện khó khăn ngay tại địa phương.
Các đại biểu cũng kiến nghị hoàn thiện các chính sách ưu đãi trong hỗ trợ vay vốn và ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người lao động và những doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật, đối tượng chính sách vào làm việc.
Ngoài ra, “cần quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử với lao động nữ, người khuyết tật, đồng thời có chính sách khuyết khích các đối tượng nói trên có điều kiện được làm việc, ổn định cuộc sống”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề xuất.
Về chế độ thủ tục thực hiện và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, công việc này rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện. Dễ xảy ra trường hợp trục lợi. Do vậy cần có giải pháp quản lý hữu hiệu, tạo thuận lợi cho người lao động được hưởng chính đáng và ngăn chặn tình trạng lợi dụng loại hình bảo biểm này để trục lợi.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thay mặt UBTVQH tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đồng thời đề nghị các cơ quan soạn thảo tránh chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.
Phi Sơn