Ngày ấy, nhà tôi cũng như bao gia đình ở cái miền quê ấy đều nghèo. Nhà nào có đủ khoai, đủ ngô ăn quanh năm đã gọi là khá giả. Gia đình tôi thường thì vẫn thiếu đói vài ba tháng mỗi độ giáp hạt, vì thế mà các bữa ăn có chút cá cũng chỉ là hi hữu lắm mới thấy. Chính vì vậy mà tôi cũng như bọn trẻ trong xóm thường rủ nhau ra đồng, sau mỗi giờ tan trường để mò cua bắt cá mang về cải thiện cho bữa cơm gia đình thêm giàu chất đạm. Mẹ nấu và chế biến món nào cũng rất ngon, nhưng món canh cua có lẽ là tôi nhớ nhất vì ăn một lần, cho đến cả trăm lần đều khó lòng mà quên được cái vị thơm, ngọt đậm đà của nó. Vì là đất đồng chiêm trũng nên thứ cua đồng khá sẵn, và chỉ một loáng ra đồng là tôi có thể bắt được cả giỏ cua đầy ắp mang về nhà. Cứ hôm nào tôi ra đồng bắt cua là y như hôm đó cả nhà lại được một bữa cơm ngon lành với món canh cua là chủ đạo. Dù được thưởng thức nhiều lần và được “mục sở thị” mẹ làm món canh này thường xuyên nhưng không hiểu sao tôi không bao giờ có thể chế biến món canh cua ngon bằng mẹ được.
Cua bắt về, bao giờ mẹ cũng lựa những con bấy (cua non mới lột xác) và những con chết ra để dùng vào món cua rang muối. Những con khoẻ, già cua mẹ mới để riêng để làm món canh. Trước khi bóc tách mai, mẹ thường ngâm một chút nước muối pha loãng để cua nhả bớt lấm đất, và cũng để chúng yếu đi và không cắp vào tay khi bắt đầu bóc tách mai. Khi bóc mai cua xong, mẹ lại phải rửa lại bằng nước sạch vài lần nữa mới đảm bảo chắc chắn là số thịt cua trước khi cho vào cối giã đã không còn bẩn bùn đất! Cua giã bằng cối đá tới lúc nhuyễn, mịn màng rồi bỏ ra chậu nhỏ gạn lọc sang xoong để nấu. Gạch cua được nhể từ mai cua bao giờ cũng được chưng mỡ với hành phi thơm, đợi khi nào canh cua sôi bồng lên mới bỏ vào. Canh cua có thể được nấu theo nhiều kiểu, có thể là nấu chua với chỉ vài quả cà chua, mấy miếng tai chua hoặc quả dọc, quả me… cộng thêm chút hành hoa. Cũng có thể nấu kèm với các loại rau xanh, hoa leo như: Thiên lý, mướp, mùng tơi, rau muống, rau dút, quả bầu, dọc mùng… Nhà tôi nghèo, các loại rau quả trên không có sẵn và cũng không mấy khi có tiền để mua nên mẹ thường nấu cua với rau tập tàng- một loại rau thập cẩm với những: Sam, dền cơm, mảnh cộng, bìn bìn, vòi voi… được hái quanh ngõ đi hay vườn nhà. Tôi đã ăn món canh cua nấu với các loại rau tập tàng này nhiều lần, và tôi dám chắc là nếu ai đã một lần thưởng thức chắc sẽ không bao giờ quên được vị ngon, ngọt ngào của nó. Nhiều lần, nhà tôi có khách ngoài thành phố về chơi, ngoài khoai luộc, ngô hầm, vốn là “đặc sản” nhà quê, thì bao giờ mẹ cũng thết đãi khách bằng món canh cua nấu rau tập tàng. Khách ăn cơm, húp canh cứ tấm tắc khen ngon mãi, và có người còn hỏi “bí quyết” của mẹ tôi về cách làm món canh này ra sao…
Canh cua đồng thường chan với cơm trắng mới cảm nhận hết được vị thơm ngon ngọt ngào của nó. Vậy mà, đôi khi gặp lúc thiếu đói, nhà hết gạo, chỉ có ngô bung, sắn trộn khoai đánh xéo, mà ăn với món canh cua mẹ nấu tôi vẫn thấy ngon, thấy ngọt. Nhiều bữa, thấy chồng và các con ăn ngô, khoai sắn mãi, mẹ thương và bà đã đi vay tạm được ít tiền của nhà hàng xóm để mua cân mỳ sợi về nấu với canh cua. Được ăn món canh cua nấu mỳ sợi thì tuyệt phải biết, vì nó còn ngon hơn cả với cơm chan canh. Tôi vẫn còn nhớ như in về những lúc đói khổ như vậy, bao giờ mẹ cũng là người ăn chậm rãi nhất, thậm chí là dừng không ăn sớm nhất nhà để nhường phần cho chồng, cho các con ăn. Thấy đàn con nhao nhao ăn, ánh mắt mẹ luôn vui. Tôi thì đã đủ lớn để cảm nhận được tình cảm, sự hi sinh của mẹ vì con cái, song không hiểu sao lúc đó tôi không thể nói ra được một lời mời: Mẹ ăn nữa đi mẹ(?!), hay hành động là lấy thêm cho mẹ một bát nữa để mẹ ăn…
Trải qua biết bao thăng trầm của một thời ấu thơ, cái đói, cái nghèo cùng món canh cua đồng nấu với rau tập tàng, và cả tình thương yêu chan chứa của mẹ, của bố… đã nuôi tôi lớn khôn để hôm nay có cơ hội bước vào đời. Dù hôm nay, tôi đã có đủ đầy hơn về vật chất, cuộc sống không còn nhiều thiếu thốn, được thưởng thức nhiều món ngon, vật lạ, nhưng trong thâm tâm tôi không bao giờ quên được một quãng đời gian khó cùng mẹ ở quê nhà.
Hôm nay là một ngày cuối tuần, tôi lại trở về thăm mẹ và bao giờ cũng vậy, mẹ luôn chiều lòng đứa con xa nhà, và bà lại hăng hái ra chợ làng mua cua mang về chế biến nấu với rau tập tàng cho tôi ăn. Ôi, húp bát canh cua đồng mẹ nấu sao mà ngon, mà ngọt đến khó lòng quên được…
Nguyễn Long