Thời nay, đời sống kinh tế của đa phần các gia đình đều đã được cải thiện nên vào những ngày đông rét mướt, ai cũng có giày, dép, áo quần, chăn ấm để chống chọi với cái lạnh đầy khắc nghiệt, buốt giá đến tê tái như kim châm vào da thịt. Ngay cả với những ai nghèo nhất cũng có thể mua được mấy bộ đồ cũ nhưng vẫn còn tươm tất. Nhưng mỗi khi chợt nghĩ về thời thơ ấu của mình, của biết bao người nghèo khó thời bấy giờ, tôi lại rùng mình và tự hỏi, không biết ngày ấy con người ta có nghị lực phi thường thế nào để có thể vượt qua mọi khó khăn, rét mướt một cách ngoạn mục như vậy khi mà chỉ với những manh áo quần mỏng manh, chiếc ổ rơm bình dị(?!)...
Cũng như bao gia đình làm nông nơi thôn quê, nhà tôi cũng luôn phải chịu cảnh túng đói mỗi độ giáp hạt. Cái nghèo, cái đói không chỉ đeo đẳng qua từng bữa ăn với ngô khoai, tương cà, rau, mắm…, mà nó còn hiển hiện trên áo quần của tất cả các thành viên trong gia đình tôi với hình ảnh là các mảnh vá chằng vá đụp. Bố mẹ, ông bà tôi thì hầu như chẳng có một chiếc áo quần nào gọi là lành lặn. Mấy anh chị em chúng tôi do phải cắp sách tới trường nên còn được gọi là tươm tất hơn đôi chút khi được bố mẹ may cho mỗi người một bộ gọi là không có một miếng vá nào. Bộ quần áo lành lặn này anh chị em tôi chỉ mặc vào những ngày thứ hai đầu tuần có tiết chào cờ, những khi có tiết dự giờ của giáo viên, hoặc khi nào lớp đi tham quan đâu đó…, còn những ngày bình thường vẫn phải “diện” quần áo vá. Một năm có bốn mùa, với ba mùa khác còn đỡ, chứ bước vào thời khắc mùa đông thì không chỉ người lớn mà trẻ con trong làng đều sợ. Thời tiết khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc ai cũng biết rồi, lạnh đến thấu xương, áo quần chống rét lại mỏng manh, chẳng mấy ai có giày để đi mà toàn đi dép hoặc chân trần. Tiền không có thì lấy đâu ra để mua chăn, mua đệm. Mà cái thời đó đã làm gì có đệm, nhà nào khấm khá cũng chỉ có cái chăn vải dù màu xanh của bộ đội, hoặc là chiếc chăn dạ loại mỏng. Nhiều nhà phải dùng chiếu để đắp khi ngủ. Có nhiều đêm, gió mùa đông bắc về, trời trở lạnh dưới 10oC, lại thêm sương muối nên rét tê tái. Khi đi ngủ tôi thường phải mặc thêm mấy chiếc áo rách, chiếc áo len bằng sợi vải tuốt ra từ đầu vỏ bao xi măng mà mẹ tận dụng đan cho. Để chống lại cái lạnh, mẹ tôi thường chằm, bện những lọn rơm khô để rải dưới giường sau đó trải chiếu lên nằm cho đỡ dặm người. Ổ rơm thường được trải dày độ 15-20 cm, vì thế nằm khá êm và ấm. Nhà nào cũng đều bện ổ rơm để nằm như thế vào mùa đông. Rơm dùng để trải ổ là loại rơm thật khô, được tuốt hết các mùn nhỏ cho đỡ bẩn. Nhiều nhà cẩn thận còn mang rơm đi giặt, rửa thật sạch, phơi khô sau đó mới bện ổ để nằm. Qua mỗi một mùa đông, ổ rơm lại được thay đi để cho muỗi, rĩn, màn mạt, kiến… không trú ngụ được, và cứ chuẩn bị vào vụ rét khác là công việc bện ổ rơm lại được mọi gia đình tiến hành. Mẹ tôi thường chọn loại rơm nếp, loại nếp cái hoa vàng thu hoạch vào dịp tháng 11 hàng năm để bện ổ. Thế nên đêm nằm vẫn nghe thoang thoảng mùi thơm nồng của lúa nếp tỏa ra từ những cọng rơm.
Suốt từ lúc mới sinh ra cho đến khi rời nhà lên thành phố học tôi vẫn đều nằm ổ rơm mỗi khi ngày đông tháng giá tới. Cả một thời nằm ổ rơm ấy là cả một giai đoạn nghèo túng của gia đình tôi, của mặt bằng chung xã hội nơi tôi sinh sống thời bấy giờ. Giờ đây, làng quê tôi đã đổi mới rất nhiều, người dân đều đã xây nhà tầng, kinh tế khá giả với cuộc sống đủ đầy tiện nghi và trẻ em được xúng xính trong những bộ áo quần mới với đủ kiểu cách thời trang để đến trường. Không ai sợ mùa đông nữa, bởi họ đã có đủ tiền để mua chăn ấm, đệm êm, thậm chí là quạt sưởi, lò sưởi. Nhưng thoáng chút tôi lại thấy hiện về hình ảnh, kỷ niệm những tháng ngày tuổi thơ của tôi, của biết bao những lớp người đi trước đã từng phải trải qua mùa đông với những ổ rơm sực nức mùi hương quê.
Nguyễn Long