Không biết từ bao giờ, cùng với bến nước, sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng khi nhớ về những kỷ niệm bên gốc đa làng.
Cây đa đi vào ca dao, cổ tích. Quên sao được câu chuyện của bà, bên gốc đa có Thạch Sanh, chú Cuội. Nhớ sao điệu “Lý cây đa” người thương đã hát. “Cây đa, bến nước, sân đình” đã thành những biểu trưng văn hóa của làng xưa.
Đa dễ trồng và sống lâu tới ngàn tuổi. Trong bão táp, trải qua bao thế hệ, cây vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn tới đâu chùm rễ nổi đến đó. Từ rễ thành thân, để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây tới chín cội lừng lững uy nghiêm. Những cội đa đó như những cánh tay khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn nâng những tán cây lên giữa trời xanh. Ngoài những cội chính đó, còn bao nhiêu là những chùm rễ chùm, rễ phụ buông lơ lửng xòe bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu dưới từng cội đó, chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn mùa gọi chim về làm tổ. Trong vòm lá, chim ríu rít gọi bầy. Và kia không xa, bên gốc tre xanh con trâu lim dim nằm nhai lại nhìn về gốc đa xem lũ trẻ nô đùa, mặc cho chim sáo nhảy nhót trên lưng trên đầu.
Đa không cho quả như mít, xoài, không có hoa đỏ như cây gạo, hoa tím như cây xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng, trăm cành hiên ngang và những tán lá quanh năm xanh ngắt, để bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng xum xuê, cao vòi vọi mang giá trị tinh thần không sao tính được, đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến cành đa làm tổ, người thương lấy gốc đa làm nơi hò hẹn, đợi chờ. Xao xuyến làm sao một đêm trăng sáng, cành đa la đà trước ngõ, ai đó ngắm trăng thơ thẩn đợi ai! Những trưa hè oi nồng, gốc đa là nơi dừng chân cho bao lữ khách. Quán nước ven đường, bên gốc đa ấy râm ran chuyện làng, chuyện xóm. Bát nước chè xanh hay bát nước vối đặc đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh. Cổng làng bên cạnh gốc đa, nơi thuở thiếu thời ta mong ngóng mẹ đi chợ về, có gió cành đa vỗ về, để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh bên lòng. Và anh nghệ sĩ, góc máy nào, gam màu nào để anh có một tấm ảnh, một bức tranh cổng làng ta, mái đình quê ta với gốc đa sần sùi rêu mốc, lá xanh ngắt đẹp ngời đến thế.
Làng tôi cũng có một cây đa như thế. Cây đa trên cánh đồng làng mỏi cánh cò bay, nơi nghỉ trưa của những người cày cấy trong những trưa hè nóng bức, sau thời gian lao động mệt nhọc. Từ xa tôi đã thấy cây đa như chiếc ô khổng lồ in trên nền trời. Bây giờ về quê, cây đa ấy không còn nữa! Người làng kể rằng, có ông nghiện rượu, đào hố sâu dưới gốc cây, nhồi rơm khô rồi nổi lửa đốt cho cây chết. Ông chặt cành rồi thân cây và đào cả rễ cây làm củi bán lấy tiền mua rượu! Ông ấy tôi biết, mặt ông lúc nào cũng đỏ như gấc. Cây đa làng xưa chỉ còn trong hoài niệm và ông cũng đã là người xưa… Cây đa làng thân thiết biết bao. Nhưng tiếc rằng, có biết bao cây đa ở những làng quê bị đốn bỏ, vô tình hay hữu ý. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, những cây đa cổ thụ đã biến mất nhường chỗ cho con đường mới mở hay ngôi nhà mới mọc lên.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn là tất yếu. Nhưng tôi, mong sao những nhà làm quy hoạch cần quan tâm đến vấn đề này. Có những cây đa cần được chăm sóc bảo vệ, đồng thời trồng thêm những cây đa mới ở trung tâm làng xã, để “Cây đa, bến nước, sân đình” vẫn là biểu hiện sự bình yên của làng quê Việt Nam.
Bích Thục