Nhớ những người anh hùng

Vượt qua hơn 500 km trên con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi về với Nghệ An, Quảng Bình thăm quê hương của 3 trong số 7 Anh hùng Lao động (AHLĐ) của ngành Bưu điện.


Từ thành phố Đồng Hới, các anh chị đồng nghiệp tại VNPT Quảng Bình đưa chúng tôi đến xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, quê hương của AHLĐ Hoàng Trung Vinh. Tên thật của ông là Ma Khính. Qua dòng hồi ức của những người cháu ruột của ông, chúng tôi như hiểu thêm về một người anh hùng tận tụy, cả đời cống hiến cho công việc.


Sinh năm 1921 trong một gia đình có 4 anh chị em, năm lên 9 tuổi, ông được người chị cả đưa vào miền Nam để nuôi nấng và cho học việc. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông theo cách mạng và tham gia du kích huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông tập kết ra Bắc và từ đó gắn bó với ngành Bưu điện. Từ năm 1965 - 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và miền Trung, chúng rải rất nhiều ngư lôi xuống các cửa sông và biển. Anh hùng Lao động Hoàng Trung Vinh đã nghĩ ra cách dùng nam châm phóng từ trường thả xuống cửa sông, biển, khi chạm vào ngư lôi hoặc dùng thuyền kéo qua khu vực có ngư lôi là ngư lôi sẽ tự nổ, vừa đỡ tốn sức người lại vừa giúp đảm bảo an toàn tính mạng, không gây nguy hiểm cho các chiến sỹ của ta.


Rời Quảng Trạch, chúng tôi về thôn Nam Sơn, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), quê hương của AHLĐ Nguyễn Văn Số. Đón chúng tôi là vợ ông, bà Trần Thị Xuân năm nay đã 81 tuổi và gia đình người con trai duy nhất của ông… Một bàn thờ nhỏ đơn sơ, một chiếc giường đơn cũ kỹ, những mảng tường vôi đã tróc nhiều mảng. Căn nhà ấy giờ chỉ có mình vợ ông chăm sóc, giữ gìn, hương khói cho ông. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà tuy yếu nhưng vẫn còn minh mẫn, những ký ức về ông, một người anh hùng mưu trí, dũng cảm trong chiến tranh như vẫn còn in nguyên trong trí nhớ của bà…


Sinh năm 1930 tại Mai Hóa, Tuyên Hóa, đầu năm 1960, ông vào công tác trong ngành Bưu điện. Là thợ dây Đội Kiểm tu đường trục thuộc Ty Bưu điện Truyền thanh Quảng Bình với nhiệm vụ bảo vệ 250 km từ Vĩnh Linh - Quảng Trị tới Chu Lễ - Hà Tĩnh, ông đã có nhiều sáng kiến nối dây và kinh nghiệm vận động nhân dân bảo vệ đường dây. Dù hoạt động trên tuyến lửa Quảng Bình, nơi bị địch ném phá ác liệt nhưng Đội Kiểm tu của ông luôn kịp thời khôi phục, sửa chữa, xây dựng và chuyển dịch đường dây, phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo của các cấp ủy địa phương trong mọi tình huống. Có lẽ câu chuyện mà nhiều người nhớ nhất về ông là trong một trận máy bay Mỹ ném bom xối xả, dây đứt không kịp nối. Với khẩu hiệu “Dây đứt như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”, ông đã dùng 2 cánh tay cầm hai đầu dây đứt biến thân mình thành dây nối để đảm bảo liên lạc thông suốt khi đang có cuộc điện đàm khẩn từ Trung ương vào Vĩnh Linh. Hình ảnh ấy sẽ sáng mãi như chính tấm lòng quả cảm, gan dạ của ông và sẽ được thế hệ những người làm bưu điện mãi mãi ghi nhớ.


Chúng tôi quay trở về Nghệ An, đến thôn Bắc Yên, xã Long Thành, huyện Yên Thành - quê hương của AHLĐ Nguyễn Toản, người đầu tiên của ngành Bưu điện được phong tặng danh hiệu AHLĐ tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua Công nông binh toàn quốc lần thứ 2 (tháng 8/1958). Biết có đoàn phóng viên đến thăm, con cháu, làng xóm tụ tập đông đủ trong căn nhà nhỏ của ông, căn nhà được ngành Bưu điện và địa phương hỗ trợ xây dựng từ năm 1989. Những chiếc bằng khen, Huân, Huy chương các loại được các con ông đóng khung, treo trang trọng trên tường.


Sinh năm 1919 tại xã Long Thành, năm 1948, ông tham gia làm giao thông viên huyện Yên Thành, ty Nghệ An và đến năm 1953 làm điện tuyến viên tại Bưu điện Nghệ An. Tháng 2/1953, ông được cử làm hướng dẫn điện tuyến viên phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Trước khối lượng công việc lớn và cấp bách, ông động viên anh em, giải thích rõ yêu cầu của mặt trận, phân công công việc và giao ước thi đua làm tốt, đảm bảo thời gian và tính mạng cho anh em… Ông đã nghĩ ra cách lấy nứa khô thay thế sung để cách điện trong khi đơn vị chưa cung cấp kịp sung cách điện, rồi đem phổ biến cho các đơn vị khác, tiết kiệm được 1.500 miếng sung không phải mua mà vẫn đảm bảo được đường dây liên lạc. Năm 1955, dù mẹ và vợ đang ốm nặng trong lúc được phân công nhiệm vụ vào Quảng Bình công tác, nhưng nhận thấy trách nhiệm của mình trước yêu cầu bức thiết của công việc, ông vẫn xin đi Quảng Bình và viết thư về động viên gia đình…


Chỉ biết đến những AHLĐ của ngành qua những trang tư liệu ít ỏi, nhưng khi được tiếp xúc với gia đình, được về thăm quê hương các ông, chúng tôi -thế hệ trẻ được sống giữa thời bình đã được nghe những câu chuyện thật cảm động, những chiến công ngỡ như là huyền thoại. Chúng tôi càng thêm kính trọng và cảm phục những tấm gương sáng ngời của lòng “Trung thành - dũng cảm - tận tụy - sáng tạo - nghĩa tình”.

 

AHLĐ Hoàng Trung Vinh đã thiết kế và chế tạo được 13/16 loại máy làm dây sơn cách điện và đã chế tạo ra dây đồng 3 ren, mỗi ren bằng 3/10 li rất nhỏ, mảnh để làm loa đài từ dây 1 li, 1,2 li.


Dạ Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN