Như cổ tích, một mối tình Việt - Triều...

Anh tên là Phạm Ngọc Cảnh - công dân Việt Nam, chị tên là Ri Yong Hui - công dân Triều Tiên. Câu chuyện tình cảm động của họ đã không còn là câu chuyện riêng của hai người, hai họ nữa dù được tính bằng 31 năm đằng đẵng chờ đợi, khắc khoải. Và, câu chuyện ấy đã là một trong những nội dung của chương trình nghị sự giữa hai quốc gia Việt Nam - Triều Tiên.


Cuộc chia ly 31 năm 10 tháng, 17 ngày


Mùa hè năm 1971, Phạm Ngọc Cảnh - chàng sinh viên Việt Nam học năm thứ ba Trường Đại học Công nghiệp Hóa học Hàm Hưng về thực tập tại Nhà máy phân đạm Hàm Hưng. Cảnh thực tập trong phân xưởng máy nén khí dưới tầng 1, còn Ri Yung Hui, cô gái Triều Tiên ấy làm việc ở phòng phân tích hóa, trên tầng hai. Một lần, đứng gần phòng phân tích hóa, nhìn qua khe cửa, anh Cảnh thấy một cô gái trẻ, gương mặt đẹp và phúc hậu đang chuẩn bị mẫu phân tích: "Giá mà cô ấy là vợ mình thì tốt quá". Từ mơ ước sét đánh đó, mối tình Ri Yung Hui và Phạm Ngọc Cảnh đã ra đời tuy phải diễn ra trong vòng bí mật vì hồi ấy, đất nước Việt Nam đang có chiến tranh, nhiệm vụ của lưu học sinh là tập trung học tập để về phục vụ Tổ quốc. Đối với nước bạn, mọi chuyện còn nghiêm khắc hơn.


Đầu năm 1973, anh Cảnh tốt nghiệp về nước. Buổi tối cuối cùng hai người đi chơi với nhau, Ri Yung Hui nước mắt lưng tròng nói người yêu: "Phải xa anh em chết mất. Nhưng dù sao em cũng đợi anh, yêu anh mãi mãi!". Còn anh nước mắt chảy ngược vào trong cố làm ra vẻ cứng rắn an ủi người yêu: "Thôi, anh về Việt Nam ra chiến trường chiến đấu vài năm. Hết chiến tranh, mọi việc thay đổi, anh sẽ quay lại đón em". Khoảng thời gian mà khi đó họ ước chừng phải xa nhau là 3 năm nhưng có ngờ đâu nó đã trở thành 31 năm 10 tháng, 17 ngày.


40 lá thư tình và rất nhiều lá thư khác


Trong quãng thời gian dài gần nửa đời người đó, vì hoàn cảnh mà anh chị chỉ có thể gửi cho nhau vỏn vẹn 40 lá thư tình. Nhưng đó là những lá thư mang nặng nỗi nhớ thương. Anh, vì phải giữ bí mật nên không dám viết thư trực tiếp cho chị mà phải gửi qua mẹ chị. Trong thư anh cũng không đề tên Việt mà phiên âm tên mình ra tiếng Triều Tiên, thành Pơm Nốc Kiêng - một cái tên con gái. Còn chị, "Ngọc Cảnh yêu thương! Yung Hui không chịu nổi việc để Ngọc Cảnh ra đi nên đã ốm mất cả tháng trời. Sốt 40 độ C mà vẫn mơ thấy Ngọc Cảnh. Thấy em vừa chợp mắt lại khóc mẹ bảo với em Yung Hui thế là lại mơ thấy Cảnh rồi và đánh thức dậy, lúc ấy em thấy mẹ nước mắt cũng lưng tròng. Không có anh Cảnh cuộc sống Yung Hui là như thế, bất hạnh biết bao nhiêu..."



Để giữ được liên lạc thường xuyên với Tổ quốc của người mình yêu, anh Phạm Ngọc Cảnh đã bỏ công việc kỹ sư ở Tổng cục Hóa chất để chuyển sang làm ở ngành thể dục thể thao nơi hay có chuyên gia Bắc Hàn sang dạy Taekwondo với hy vọng cứ gần gũi những người Triều Tiên sẽ nghĩ ra cách nối lại liên lạc với người yêu. Rồi anh chạy đôn đáo các nơi để thành lập Hội Hữu nghị Việt - Triều.


Cứ mỗi lần nghe tin Triều Tiên bị thiên tai, mất mùa, anh lại miệt mài đi vận động quyên góp lương thực, quần áo, thuốc men để gửi sang giúp đỡ... Trong những năm tháng đó, anh đã viết rất nhiều lá thư để tìm lối ra cho tình yêu của mình, từ lá thư gửi phu nhân của Chủ tịch nước Kim Nhật Thành với hy vọng biết đâu bà ấy động lòng mà tác thành cho đôi trẻ cho đến là những lá thư gửi Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Dy Niên khi hai ông sang thăm Triều Tiên tháng 5/2002 để nhờ giúp đỡ.


Dù rằng trong suốt quãng thời gian dài ấy, đã không ít lần anh bật khóc khi tin tức từ Triều Tiên bay về nói với anh rằng chị đã đi lấy chồng, thậm chí chị đã mất 10 năm. Những giọt nước mắt đàn ông...


Đoạn kết có hậu của cổ tích tình yêu


Và, rồi cuối cùng thần hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh Phạm Ngọc Cảnh khi bức công văn đề ngày 4/9/2002 với nội dung: "Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao nước CHD-CND Triều Tiên phê chuẩn việc kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh - công dân VN với Ri Yung Hui - công dân Triều Tiên ngày 19/8/2002" được chuyển đến tay anh. Với tờ giấy "thông hành" đó, anh lập tức mua vé tàu đi Bình Nhưỡng đón chị. Cuộc tái ngộ sau 31 năm của họ khó diễn tả bằng lời. Đoạn kết của giấc mơ đẹp ấy là một đám cưới tại Bình Nhưỡng vào ngày 23/10 và tại Hà Nội vào ngày 13/12.


Còn nhớ, đầu năm 2003, khi tôi tìm đến nhà anh chị để viết bài, anh Cảnh đã hồ hởi kể cho tôi nghe sự giúp đỡ tận tình của Sở Tư pháp Hà Nội cho trường hợp đăng ký kết hôn của anh chị. Số là khi anh chị đến Sở để tìm hiểu thủ tục đăng ký kết hôn cũng là lúc chuẩn bị chuyển giao giữa Nghị định 184 và Nghị định về vấn đề hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.


Biết chuyện tình đầy trắc trở của anh chị, các cán bộ Sở Tư pháp đã rất cảm thông, chia sẻ và khuyên anh chị hãy cố đợi đến ngày NĐ mới có hiệu lực để làm thủ tục vì do cả hai người cùng thiếu giấy khai sinh, mà với NĐ mới loại giấy tờ này sẽ được giản lược, bớt được thời gian chờ đợi vốn đã trở thành nỗi ám ảnh của anh chị. Thắm thoắt vậy mà đã gần 8 năm...


Vui vẻ đón tôi như đón một người quen cũ, anh Cảnh cho biết, anh đã nghỉ hưu, còn chị dạo này đi dạy tiếng nên ban ngày ít có mặt ở nhà. Vốn liếng tiếng Việt của chị đã đủ đọc báo và giao tiếp đơn giản để đi chợ không có anh - "người phiên dịch" đi cùng. Chị tuy vẫn giữ thói quen nấu ăn theo cách thức quê nhà nhưng cũng đã ăn được hầu hết đồ ăn Việt. Và, đặc biệt chị còn có một điều - mà có lẽ nhiều người phụ nữ có chồng ở Việt Nam mơ ước - là được anh đưa đi thăm thú hầu hết các tỉnh thành cả nước, dọc theo những chuyến đi theo đoàn đua xe đạp xuyên Việt vì anh vốn là huấn luyện viên của bộ môn này.

Anh Cảnh đã cười phá lên trước câu hỏi của tôi rằng anh vẫn nói thạo tiếng Triều Tiên chứ. "Quên sao được hả em, đó là ngôn ngữ của tình yêu mà", anh khẳng định. Cũng bởi vì tuy ở Việt Nam nhưng anh chị vẫn nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng của quê hương chị là chính. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến chị trong gần 8 năm làm dâu, thi thoảng gặp "tai nạn" nho nhỏ với nhà chồng, ví dụ như bị bố chồng nhắc nhở chuyện gì đó mà chị lại không hiểu cụ nói gì.


Về kể lại với anh, chị khóc, anh an ủi và cũng không quên giải thích là bố rất thương chị. Chính ông (ông là Phạm Ngọc Diệp, từng công tác trong ngành ngoại giao, là cố vấn phát ngôn đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 19), năm 2002, quá cảm kích và thương xót cho tình yêu của con đã tìm đến tận nhà Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên để nhờ giúp đỡ con trai mình.


Tháng 11/2010, anh chị vừa có một chuyến về thăm quê chị sau 8 năm xa cách. Trước đó, ngay tại ngôi nhà ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội, chị đã được gặp ba người em cùng cha, khác mẹ với mình đang sống ở Hàn Quốc. Năm 1950, khi cuộc chiến tranh liên Triều nổ ra, bố chị đã sang Hàn Quốc lấy vợ, sinh sống bên đó. Biến cố lịch sử này của gia đình cũng là nguyên nhân tạo nên tính tình trầm lặng ít nói của chị.

Trên suốt dọc chuyến đường dài về thăm lại quê hương, nhìn cảnh vật nhớ chuyện xưa, anh kể lại cho chị nghe những kỷ niệm trên chặng đường anh "đấu tranh quyết liệt" cho tình yêu của mình, đến nỗi bị bạn bè gán cho cái tên "nhà cách mạng tình yêu". Chị lắng nghe, tủm tỉm cười, khe khẽ gật đầu công nhận lời anh...

Theo Pháp Luật Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN