Nói đến Hồng Công (Trung Quốc) là nhiều người tưởng tượng ngay ra những tòa cao ốc tráng lệ, rực rỡ ánh đèn. Nhưng ít ai biết phía sau những tòa cao ốc đó có những con người bần cùng của xã hội, phải sống trong những “ngôi nhà” là một chiếc lồng bằng thép.
Một trong những căn nhà cũi sắt của người nghèo ở Hồng Công. Ảnh: AP/ Vincent Yu |
Ông Leung Cho-yin là một trong những người như thế. Năm nay 67 tuổi, từng làm nghề bán thịt ở chợ, ông chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là khoản trợ cấp 515 USD hàng tháng từ chính quyền. Ông Leung phải dành ra 167 USD/tháng để thuê một cái lồng với diện tích vỏn vẹn 1,5 mét vuông để ở. Bên trong lồng trải những mảnh gỗ ván, tre và vải bố - những “tiện nghi” thay cho nệm ngủ để tránh bị rận cắn. Ông chỉ vào những vết đỏ trên người, nói: “Tôi đã bị chúng cắn nhiều đến nỗi thành quen rồi... Dù muốn hay không, tôi vẫn phải ở đây và phải tiếp tục sống”.
Ông Leung không phải là trường hợp duy nhất. Khu Tây Kowloon, nơi tập trung dân lao động ở Hồng Công, những “ngôi nhà cũi sắt” được xếp chồng lên nhau tựa chuồng thỏ và đặt trong các căn hộ xập xệ. Ngoài “ngôi nhà” dạng cũi sắt, chủ căn hộ còn tận dụng tối đa không gian bằng cách dựng lên các hộp kim loại, hộp gỗ cỡ bằng cỗ quan tài hoặc các hộc tủ để cho thuê. Đó sẽ là “tổ ấm” của những người nghèo sớm tối đi về. Theo thống kê của Tổ chức Xã hội vì Cộng đồng (SCO), có khoảng 100.000 người ở Hồng Công đang phải sống trong hoàn cảnh như vậy.
Sự khốn cùng của những người như ông Leung phản ánh một vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội Hồng Công: Khủng hoảng nhà ở, hậu quả của giá nhà tăng chóng mặt. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, giá nhà ở Hồng Công đã tăng 23% trong 10 tháng đầu năm 2012 và tăng gấp đôi kể từ năm 2008. Tình trạng này khiến người có nhu cầu không thể mua, người có nhà không biết bán cho ai.
Một kịch bản tương tự cũng đang diễn ra với căn hộ cho thuê. Trong 7,1 triệu dân Hồng Công có tới 1/3 đang sống trong những căn hộ thuê của nhà nước. Khoảng 210.000 người đang đợi trong danh sách được thuê. Rất nhiều gia đình phải ra ngoài thuê nhà. Họ thường tìm những căn hộ được chia thành nhiều phần nhỏ, cá biệt có những người chấp nhận chui rúc trong những cái lồng như ông Leung.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công Lương Chấn Anh thừa nhận việc tầng lớp trung lưu không có khả năng mua nhà và nhiều gia đình phải chui rúc trong những ngôi nhà ổ chuột đang tạo ra nguy cơ bất ổn xã hội. Trên thực tế, trong các cuộc biểu tình chống chính quyền đang có xu hướng gia tăng, chủ đề giá nhà thường xuyên được nói đến.
Giá nhà không ngừng tăng ở Hồng Công thứ nhất là do chính sách cho vay dễ dàng với mức lãi suất siêu thấp. Các nhà hoạch định chính sách không thể nâng lãi suất bởi đồng đôla Hồng Công được gắn tỷ giá với đồng USD. Ngoài ra, dòng tiền chảy vào từ Trung Quốc đại lục cũng như các nhà đầu cơ nước ngoài càng làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Mặc dù Trưởng Đặc khu mới có vẻ quan tâm hơn tới vấn đề nhà ở với lời hứa sẽ xây dựng thêm nhiều căn hộ giá rẻ, song những người như ông Leung không mấy mặn mà. Ông nói: “Vấn đề không phải là tôi có tin chính quyền hay không. Nhưng họ vẫn luôn nói như vậy”. Đã 20 năm trôi qua, mái nhà của ông Leung vẫn là một cái lồng sắt với các thanh kim loại chạy ngang chạy dọc.
Có vẻ như câu chuyện nhà ở của người nghèo ở Hồng Công sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nền kinh tế của “con rồng châu Á” vẫn tiếp tục phát triển, mạnh mẽ và năng động, nhưng người dân nghèo vẫn chưa thực sự được hưởng lợi từ sự đi lên đó.
Anh Minh