Hà Tĩnh có 126 xã miền núi thuộc 5 huyện, thị, trong đó có 39 xã thuộc Chương trình 135; 4 xã vùng cao; 9 xã biên giới.
Năm 2012, với nguồn kinh phí 135 tỷ đồng của chương trình 135, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ cả 4 hợp phần: Hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình và đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở. Tỉnh đã xây dựng được 2 mô hình trồng cao su tiểu điền, 2 mô hình nuôi lợn rừng và các mô hình chăn nuôi, phát triển sản xuất ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Tất cả các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Với các dự án cơ sở hạ tầng, tỉnh đã tập trung vào những công trình gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc. Có 84 công trình giao thông được làm mới và duy tu, bảo dưỡng, ngoài ra còn có 13 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 trường mầm non và các công trình phụ trợ khác.
Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng cán bộ vùng đồng bào dân tộc cũng được ưu tiên cấp bách. Đã có 23 lớp đào tạo được mở, với hàng ngàn lượt cán bộ tham gia, góp phần giúp cán bộ hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, phát triển sản xuất, chăn nuôi trồng trọt và nhận thức về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Từ chương trình 135 và đặc biệt là từ nhưng chính sách hỗ trợ của Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội, đời sống đồng bào miền núi ngày càng khởi sắc, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế có thu nhập bền vững. Điều kiện sinh hoạt với những nhu cầu thiết yếu từng bước được đáp ứng, từ việc học tập đến việc chăm sóc sức khỏe trong nhân dân. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vùng miền núi trên 7%, thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên 10 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đã giảm xuống còn 32%, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Công Tường