Những triệu phú vùng biên

Tại các bản vùng cao Huổi Púng, Phiêng Ban... thuộc phía đông của xã Thanh An (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), từ lâu người dân chỉ quen trồng lúa nương với phương thức “gieo bay”, cho năng suất thấp, hiệu quả kém. Nhận thấy quỹ đất, thổ nhưỡng ở đây có thể trồng những cây công nghiệp dài ngày, một số gia đình đã thay đổi tư duy sản xuất, dám đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng tiểu điền.

Vượt qua hàng chục km đường núi với những dốc cao, chúng tôi đến “đại bản doanh” của anh Phạm Xuân Trình (54 tuổi), ở bản Huổi Púng, xã Thanh An, huyện Điện Biên. Với người dân địa phương, trong nhiều năm qua, anh là người “khác thường” bởi trong khi người dân địa phương bỏ không những diện tích núi, đồi, họa hoằn có người gieo ít lúa nương rồi mặc trời... chăm sóc, thì anh Trình lại mua những diện tích ấy để cải tạo, quy hoạch và nuôi ước vọng làm giàu.


Lãnh đạo và cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh tại mô hình cao su tiểu điền của anh Trình.


Đứng trên lưng chừng núi, chỉ tay về phía bạt ngàn diện tích cao su đang trải dài, uốn lượn qua những mỏm đồi, anh Trình cho biết: Rừng cao su của anh đã có 17 ha trong tổng số quỹ đất hơn 22 ha. Toàn bộ cây cao su anh trồng đều là giống PB260 lấy từ Bình Phước về. Qua gần 4 năm, trước những thử thách khắc nghiệt của thời tiết miền Tây Bắc như khô, hanh, nóng, sương giá, toàn bộ diện tích cây cao su đều phát triển tốt, lá xanh tươi và khép tán mạnh, thân cây đạt chiều cao trung bình từ 3 - 5 m, có chu vi vành thân đạt từ 30 - 40 cm.

Anh Trình bộc bạch: Để có được thành quả này, bình quân mỗi ha cây cao su anh đầu tư từ 120 - 130 triệu đồng (tính cả tiền mua đất với giá 35 triệu/ha). Thực tế so sánh tiền giống, công vận chuyển, việc anh nhập giống từ Bình Phước lên còn rẻ hơn 6.000 - 7.000 đồng/cây nếu nhập giống ngay tại địa phương. Với quy trình phát triển của cây cao su, khoảng hơn 1 năm nữa, những diện tích cây cao su của gia đình anh sẽ cho thu hoạch mủ. Giấc mơ trở thành “triệu phú vùng biên” của anh cũng sẽ được nhen nhóm từ chính vụ thu hoạch mủ đầu tiên này. “Đến giờ, cây cao su có thích hợp với điều kiện tự nhiên của Thanh An hay không thì diện tích cao su của gia đình tôi đã khẳng định rồi. Gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích cây cao su lên gấp 2, gấp 3 lần trong những năm tiếp theo", anh Trình tự tin.

Cùng ước mơ làm giàu theo hướng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày trên vùng cao xã Thanh An còn có anh Vũ Khắc Hiên, đội 15, bản Phiêng Ban. Khởi động “dự án” trồng cây cà phê theo hướng tiểu điền của gia đình anh Hiên bắt đầu từ giữa năm 2011. Đến nay diện tích cây cà phê của gia đình đạt hơn 2 ha. Nguồn vốn mà anh Hiên dùng để mua đất, cải tạo, quy hoạch, mua giống... chủ yếu là của gia đình và vay bạn bè. Để chăm sóc cây cà phê, anh đã chuyển gia đình lên núi, định cư giữa bạt ngàn màu xanh của cà phê đang kỳ phát triển.

Theo anh Trình, anh Hiên, để cây cao su, cà phê phát triển phụ thuộc vào nguồn giống, độ cao, dốc nơi trồng cùng các yếu tố như sức gió, thời tiết và quy trình chăm sóc. Ở khu vực này các yếu tố trên đều đảm bảo. Cái hay của việc phát triển kinh tế theo hướng tiểu điền là quỹ đất để cải tạo, quy hoạch, phát triển quy mô rừng cây luôn sẵn có, nguồn và chất lượng lao động địa phương lại rất dồi dào.

Đánh giá về thành công và triển vọng đối với mô hình kinh tế tiểu điền tại xã Thanh An, ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Thực tế kiểm tra, khảo sát cho thấy, việc phát triển cây cao su quy mô tiểu điền tại địa bàn xã Thanh An có nhiều tiềm năng. Việc phát triển cây công nghiệp theo mô hình tiểu điền đã thực sự “đánh thức” được quỹ đất bỏ hoang vốn không có hiệu quả với các loại cây trồng khác. Thành công của mô hình kinh tế tiểu điền ở Thanh An sẽ là tiền đề để chúng tôi áp dụng, nhân rộng ra các huyện Tủa Chùa, Mường Lay, tạo điều kiện cho những hộ dân thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La phát triển kinh tế.

Ông Lê Trọng Khôi, Bí thư huyện ủy huyện Điện Biên chia sẻ: Trong định hướng lâu dài, huyện sẽ có những cơ chế, khuyến khích người dân thuộc khu vực lòng chảo triển khai phát triển cây công nghiệp theo hướng tiểu điền.

Bài và ảnh: Xuân Tiến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN