Ít nhất một người chết và 24 người bị thương trong một vụ đánh bom rạng sáng ngày 24/7 nhằm vào một đồn cảnh sát ở thành phố Mansoura, tỉnh Daqahliya của Ai Cập. Vụ nổ khiến người ta lo ngại tình hình an ninh ở Ai Cập ngày càng xấu đi sau vụ phế truất Tổng thống Mohamed Morsi.
Những chiếc ô tô bị đốt cháy rụi gần trường Đại học Cairo ngày 24/7. |
Theo các quan chức an ninh, 22 nhân viên an ninh và 2 dân thường bị thương đã được đưa vào bệnh viện Mansoura. Phát ngôn viên của Tổng thống lâm thời Ai Cập, ông Ahmad al-Muslimani, đã ra tuyên bố gọi vụ đánh bom là hành động khủng bố. Ông Ahmad nói: “Vụ khủng bố ở Mansoura sẽ không làm dao động lòng quyết tâm của Ai Cập. Ai Cập đã chiến thắng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và sẽ lại chiến thắng”.
Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng giữa người ủng hộ và phản đối ông Morsi. Chia rẽ giữa hai phe ngày càng sâu sắc, xóa tan các cơ hội hòa giải. Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc đối thoại hòa giải dân tộc sắp tới theo lời kêu gọi của Tổng thống lâm thời Adly Mansour. Người phát ngôn của tổ chức này, ông Ahmed Aref, cho rằng các cuộc đối thoại này "vô nghĩa" do chính quyền lâm thời hiện nay đã được dựng lên một cách bất hợp pháp. Anh em Hồi giáo kêu gọi người ủng hộ tham gia cuộc biểu tình lớn dự kiến sẽ diễn ra vào thứ sáu, ngày 26/7, nhằm phản đối cuộc “đảo chính” và đòi khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Morsi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, Tướng Abdel-Fattah el-Sissi, cũng kêu gọi người dân biểu tình vào cùng ngày để ủng hộ cảnh sát cũng như quân đội trong chiến dịch chấm dứt bạo lực và khủng bố.
Liên quan đến việc giam giữ ông Morsi, ngày 24/7, đã có thêm Cata hòa chung tiếng nói của cộng đồng quốc tế đòi trả tự do cho vị cựu tổng thống này. Một quan chức Bộ Ngoại giao Cata cho biết, Đôha lấy làm ngạc nhiên khi Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tiếp tục bị giam giữ và cho rằng sự việc đe dọa những thành quả Ai Cập đạt được sau khi lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Quan chức Cata giấu tên nói trên cũng kêu gọi “một giải pháp chính trị dựa trên đối thoại đoàn kết quốc gia” để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập. Cata là nước ủng hộ chính quyền của ông Morsi cả về mặt chính trị lẫn tài chính.
Kể từ khi bị lật đổ ngày 3/7, ông Morsi và vài quan chức thân cận đã bị chính quyền lâm thời giam giữ. Trước Cata, các đại diện Mỹ, Đức, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu cũng đã kêu gọi thả nhà cựu lãnh đạo này.
Thùy Dương