Nỗ lực để làm hài lòng người bệnh

Sau một thời gian triển khai cam kết “Thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, tại các bệnh viện đã bắt đầu có chuyển biến, tuy nhiên những lời phàn nàn về thái độ nhân viên y tế vẫn còn nhiều. Để việc cam kết thực sự phát huy tác dụng, ngành y tế cần thêm thời gian và sự nỗ lực rất lớn.


Bao giờ mới hết phàn nàn

Tại bệnh viện K (Hà Nội), buổi sáng là cao điểm nhất, trước cửa khu khám bệnh và sân bệnh viện đều chật kín bệnh nhân. Tay cầm sổ khám bệnh, chị Nguyễn Thị Thủy, ở Bắc Giang, đang lơ ngơ không biết phòng chụp X- quang ở đâu thì một bạn sinh viên ở đội “Tiếp sức người bệnh” chạy tới hỏi han, xem sổ khám và nhiệt tình dẫn chị Thủy tới tận nơi và hướng dẫn chị đặt sổ xếp hàng.

Bằng những bản cam kết, ngành y quyết tâm tạo sự thay đổi để làm hài lòng người bệnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Chị Thủy xúc động: “Trước kia đi khám ở bệnh viện này rất khổ vì luôn phải chen chúc, có các bạn sinh viên tình nguyện nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ, người bệnh chúng tôi đỡ khổ hơn rất nhiều mà thời gian khám cũng sẽ nhanh hơn”.

Màu áo xanh của đội “Tiếp sức người bệnh” thực sự đang là “cứu cánh” cho nhiều bệnh viện những lúc quá tải, giúp bệnh viện “lấy lòng” được bệnh nhân. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện, ngoài các bạn tình nguyện, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế vẫn chưa thay đổi nhiều. Tình trạng quát tháo, hạch sách bệnh nhân tuy đã giảm nhưng vẫn còn tình trạng “đến viện chữa bệnh mà như người đi xin”.

Buổi chiều tại khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân vẫn rất đông, tuy nhiên, nhân viên tại bàn hướng dẫn tay vẫn khư khư chiếc điện thoại. Chị Vũ Thị Hậu (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa đỡ mẹ vừa đưa phiếu khám để nhờ nhân viên y tế chỉ dẫn. Lúc đó, nhân viên này mới bỏ điện thoại xuống, xem phiếu và chỉ: “Khám phòng này!”. Chưa hiểu nên chị Hậu hỏi lại thì nhân viên này gắt lên, khiến chị tái mặt: “Phòng này chứ phòng nào, nhìn thấy cửa có đóng đâu mà hỏi”.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng từng bức xúc khi đưa bố chị đi mổ sỏi thận tại bệnh viện Việt Đức. Vì mổ nội soi không thành công, nên bố chị phải mổ lại lần 2. “Thế mà khi nằm điều trị cũng không thấy bác sĩ xuống thăm, khám”, chị Hà cho biết.

Cam kết phải từ tâm

Những ngày qua cũng đang nóng lên nhiều vụ xử phạt nhân viên y tế như: Bốn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã bị trừ lương, trừ tiền thưởng, phê bình trước toàn cơ quan vì thái độ hách dịch, có lời nói xúc phạm đến bệnh nhân; hay vụ điều chuyển công tác một nhân viên khoa khám bệnh, bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định do làm việc riêng trong giờ, bỏ mặc bệnh nhân chờ… Điều này thể hiện sự mạnh tay của ngành y tế để dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”.

TS. Bùi Diệu - Giám đốc bệnh viện K cho biết: “Ngay sau khi ký cam kết “Thay đổi phong cách, thái độ phục của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, chúng tôi đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện và triển khai tập huấn về cách cư xử giao tiếp cho nhân viên tại tất cả các khoa phòng và toàn bộ bệnh viện”.

Cũng theo ông Diệu, nếu vẫn còn thấy thái độ của nhân viên y tế không vừa lòng, người bệnh nên góp ý trực tiếp với nhân viên y tế đó để họ hiểu và nhận thấy những điều chưa đúng của mình trong quá trình khám chữa bệnh cũng như giao tiếp với người bệnh và thân nhân người bệnh. Bệnh viện có số điện thoại đường dây nóng, nếu có những bức xúc, sai phạm, người dân hãy gọi điện phản ánh để Ban Giám đốc nắm được tình hình và sẽ vào cuộc xử lý. Những sai phạm tùy mức độ sẽ bị xử lý nhắc nhở, phê bình hoặc xử phạt theo đúng quy định.

“Để thay đổi thực sự thái độ của nhân viên y tế, cần có một lộ trình, vì đây là thay đổi thói quen của con người nên sẽ rất khó khăn và sẽ gây ra áp lực cho họ. Tuy nhiên, mỗi cán bộ y tế phải tự xác định đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của mình đối với người bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mình, vì theo đổi mới cơ chế tài chính tiến tới sẽ tính đúng, tính đủ chi phí bệnh viện. Nếu bệnh nhân hài lòng thì họ sẽ đến bệnh viện nhiều hơn, thu nhập của chính cán bộ y tế sẽ được cao hơn, và ngược lại. Bộ Y tế cũng mong muốn mỗi người dân, mỗi người bệnh và đặc biệt các cấp chính quyền cùng vào cuộc, giám sát và giúp đỡ cho cán bộ y tế để cả hai bên đều hài lòng lẫn nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là người bệnh được chăm sóc sức khỏe.” ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế chia sẻ.

Hầu hết “khách hàng” của bệnh viện đều cho rằng, ngoài những điều đã cam kết trên giấy tờ, mỗi cán bộ y tế cũng phải có những “bản cam kết” bằng cái tâm của nghề y, mới mong có những thay đổi thực sự.

Tạ Nguyên
Người bệnh đang dần trở thành khách hàng đặc biệt
Người bệnh đang dần trở thành khách hàng đặc biệt

Sau một thời gian nỗ lực cải tiến, ”xốc” lại y đức của đội ngũ cán bộ y tế, đã có 20 bệnh viện ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, nhiều bệnh viện đã nhận được "cảm tình" của người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN