Thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động xấu đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Vậy cần làm gì để giúp cho trẻ bổ sung đầy đủ những vi chất dinh dưỡng cần thiết?
PGS.TS Lê Thị Hợp (ảnh), Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trao đổi với PV báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Xin bà cho biết thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) ở nước ta hiện nay?
Ngoài các chất dinh dưỡng chính (đạm, đường, chất béo) thì các VCDD có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Thiếu VCDD gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự phát triển thể chất và trí tuệ của con người. Theo các nhà dinh dưỡng, có khoảng 40 loại VCDD cần thiết cho cơ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, hiện có khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu bị thiếu VCDD. Trong đó, thiếu vitamin A, sắt và rối loạn do thiếu i-ốt khá phổ biến ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù chúng ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong phòng chống thiếu máu song hiện nay tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, còn 28,8% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 36,5% phụ nữ có thai và khoảng 29% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt.
Đại diện Bộ Y tế cho trẻ uống Vitamin A tại lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2011. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Năm 2005, Việt Nam đã đạt mục tiêu phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt nhưng thách thức lớn nhất là duy trì kết quả, nhất là tại các địa phương có độ bao phủ muối i-ốt thấp.
Kẽm là một vi chất quan trọng liên quan đến tăng trưởng và sự miễn dịch ở trẻ song theo một số nghiên cứu thì tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em hiện khá phổ biến.
Những điều tra gần đây cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em, biểu hiện bằng nồng độ vitamin A (VA) huyết thanh thấp chỉ đạt khoảng 14,2%. Tỷ lệ VA trong sữa mẹ thấp, cũng chỉ tương đương khoảng 30%, chứng tỏ khẩu phần ăn chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp vitamin A cho cơ thể…
Vậy ngành y tế đã làm gì để cải thiện tình trạng nêu trên, thưa bà?
Thiếu vitamin A là một vấn đề y tế công cộng đối với sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia đang phát triển và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ em và phụ nữ. Trẻ em bị thiếu vitamin A sẽ có nguy cơ mắc bệnh khô mắt, chậm phát triển thể lực, trí tuệ, thiếu máu…
Nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, Bộ Y tế cùng nhiều tổ chức quốc tế đã có những chính sách cần thiết trong việc cung cấp vitamin A. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, từ năm 1996 đến nay, Việt Nam là 1 trong 3 nước ở khu vực tổ chức Ngày VCDD vào ngày 1 - 2/6 hàng năm. Hoạt động này nhằm tăng cường truyền thông về phòng chống thiếu vitamin A và các VCDD khác hiệu quả hơn.
Ngày 28/5, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, tổ chức lễ phát động "Ngày VCDD toàn quốc" năm 2011 với chủ đề "VCDD thiết yếu với sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ con người". Theo đó, chúng tôi sẽ cung cấp vitamin A liều cao cho trẻ 6 - 60 tháng tuổi tại 18 tỉnh khó khăn và trẻ 6 - 36 tháng tuổi tại các tỉnh còn lại, trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sau khi sinh trong vòng 1 tháng… Cho trẻ 24 - 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai cân, đo cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tổ chức tốt các hoạt động thực hành dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành của bà mẹ về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ…
Ngoài ra, kẽm là một vi chất rất cần thiết cho cơ thể, giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng, giảm nguy cơ nhiễm trùng (tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, sốt rét…)… Vì vậy, kẽm là một trong 14 VCDD có trong gói đa vi chất mà chúng tôi đang cung cấp thí điểm cho một số địa phương có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao.
Thiếu hay thừa vi chất đều không tốt cho cơ thể, vậy tất cả trẻ dưới 5 tuổi đều bổ sung vitamin A có cần thiết không? Để phòng thiếu VCDD cho trẻ, các bậc phụ huynh cần làm gì, thưa bà?
Các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam từ trước đến nay cho thấy, tỷ lệ trẻ thừa VCDD là rất hiếm gặp. Do đó, việc bổ sung vitamin A với tần suất 2 lần/năm cho trẻ dưới 5 tuổi có độ an toàn rất lớn, các bà mẹ hoàn toàn yên tâm khi đưa con tới uống vitamin A trong ngày 1 - 2/6.
Để phòng thiếu VCDD, các bà mẹ nên sử dụng phối hợp 15 - 20 loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý bằng các thực phẩm có sẵn tại địa phương. Khi trẻ bệnh, không bắt trẻ ăn kiêng. Cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A 2 lần/năm, bà mẹ ngay sau khi sinh con cũng cần được uống vitamin A. Tẩy giun 2 lần/năm cho trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi. Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và uống thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn…
Xin cảm ơn bà!
Phương Liên (thực hiện)