Nỗi niềm y tế thôn, bản:Cần thêm cơ chế hỗ trợ để gắn bó với nghề

Cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn và nhiều yếu tố khác khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các thôn, bản xa xôi của huyện Đông Giang (Quảng Nam) chủ yếu trông chờ vào đội ngũ y tế thôn, bản. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều cán bộ y tế thôn, bản đã lần lượt từ bỏ công việc ý nghĩa này, vì mức phụ cấp quá thấp, không đảm bảo cuộc sống...


 

Chị Huỳnh Thị Tĩnh, cán bộ chuyên trách dân số/kế hoạch hóa gia đình kiêm y tế thôn bản, ở xã biển Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tuyên truyền công tác dân số cho phụ nữ làm nghề chế biến thủy sản. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Là người gắn bó lâu năm với nghề, chị Đêl Thị Dinh, cán bộ y tế thôn Aduông 2, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, luôn thấy tiếc nuối khi từ bỏ công việc bấy lâu nay của mình. Mặc dù thôn Aduông 2 thuộc khu vực thị trấn, nhưng nơi đây được biết đến như một “ốc đảo” tách biệt với bên ngoài bởi không đường, điện, trường, trạm. Để tới được thôn Aduông 2 phải băng rừng, lội suốt hơn 3 tiếng đồng hồ.

 

Đa số dân trong thôn là người dân tộc thiểu số Cơtu, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào nương, rẫy, nên công tác chăm sóc sức khỏe của người dân hoàn toàn trông cậy vào cán bộ y tế thôn, bản. Với mức phụ cấp 100.000 đồng/tháng, chị Đêl Thị Dinh đảm nhận công việc nắm bắt tình hình dịch bệnh, thường xuyên thông tin 2 chiều với trạm y tế; số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng, tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chữa các bệnh thông thường... Công việc nghĩ đơn giản nhưng lại gặp khá nhiều khó khăn. Bởi đời sống bà con rất nghèo, mỗi khi bệnh nặng lắm thì mới chịu đi khám trạm xá, không thì ở nhà cúng bái thần, giàng. Cũng một phần nhận thức của bà con còn kém, ti vi, điện đài chẳng có nên mỗi khi đi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình chị Dinh phải đến tận từng nhà để vận động... Điều kiện gia đình khó khăn, chị Dinh định bỏ nghề từ mấy năm trước, nhưng nghĩ vì bà con thôn bản nên chị cố gắng bám trụ với nghề, kết hợp với làm nương, rẫy để đảm bảo cuộc sống.


Những năm gần đây, khi các con chị ngày một lớn nên áp lực kinh tế càng cao, chị Dinh đành ngậm ngùi từ bỏ công việc y tế gần 1 năm nay. Chị chia sẻ: "Tôi cố gắng bám trụ với nghề từ năm 2000, cũng một phần yêu nghề nên thù lao có ít mấy cũng cố gắng làm. Bây giờ giá cả thị trường ngày càng cao, con cái học hành cũng tốn kém nên tôi không thể tiếp tục đảm đương công việc. Chồng tôi bảo làm việc khác có thu nhập cao hơn để đảm bảo cho con ăn học".


Không chỉ riêng chị Dinh mà nhiều chị em khác cũng không còn mặn mà với nghề. Riêng khu vực thị trấn P’rao có 17 thôn chỉ có 8 nhân viên y tế. Một số nhân viên y tế đang đề nghị xin nghỉ việc, bởi phụ cấp quá thấp. Vì trực thuộc thị trấn và không còn nằm trong Chương trình 135 nên cán bộ y tế thôn, bản không được hưởng các chế độ phụ cấp như các vùng khác. Tuy tháng 5 vừa qua, mức lương tối thiểu mới được áp dụng, phụ cấp công việc của nhân viên y tế thôn bản cũng được tăng lên, song so với khối lượng công việc và giá cả như hiện nay thì đời sống của các cán bộ y tế thôn bản cũng không được cải thiện là bao.


Ở một số thôn khuyết nhân viên y tế thôn bản, cán bộ y tế cấp xã phải kiêm nhiệm. Chị Trần Thị Lý, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn P’rao cho biết, công việc của trạm hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trạm y tế thị trấn hiện chỉ có 5 người, công việc ở trạm đã nhiều, mấy năm gần đây lại không có hệ thống cộng tác viên y tế thôn bản đầy đủ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, cũng như tuyên truyền, tư vấn y tế đến bà con. Chị mong rằng các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến các cộng tác viên y tế thôn bản để họ có thể an tâm với công việc.


Chị Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, toàn huyện có 95 thôn ở 11 xã, thị trấn nhưng chỉ có hơn 70 nhân viên y tế tại các thôn bản. Hầu hết cán bộ y tế thôn bản ở đây đều tỏ ra không mặn mà với công việc của mình, nhưng vì sức khỏe của người dân trong thôn, bản nên họ vẫn cố đeo đuổi với nghề. Được biết, hiện nay một số địa phương đã linh động trong việc tạo điều kiện cho các nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác như cộng tác viên dân số, cán bộ mặt trận... để có thêm thu nhập, giảm phần nào áp lực kinh tế. Song từ đó lại gia tăng khối lượng công việc và ảnh hưởng đến chất lượng công việc chính là chăm sóc sức khỏe bà con. Bởi vậy, đây cũng chưa thể coi là giải pháp tốt cho vấn đề này.Về lâu dài, rất cần các cấp chính quyền có những chính sách quan tâm phù hợp để đội ngũ này thực sự phát huy hiệu quả và gắn bó với nghề.


Hứa Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN