Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp (tính theo tỷ trọng GDP nông nghiệp) của nước ta hiện chỉ bằng một nửa hoặc thấp hơn so với nhiều quốc gia có mức thu nhập trung bình khác.
Bên cạnh đó, câu chuyện giống lúa vẫn luôn là vấn đề nóng khi ngành chưa nghiên cứu ra được những giống lúa mới đáp ứng tiêu chí năng suất và chất lượng cao để cung cấp cho nông dân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng chia sẻ: Câu chuyện tìm giống lúa thay thế giống lúa IR50404 (chất lượng thấp nhưng năng suất cao) đã được đề cập đến từ năm 1995, khi ông về Bộ. Thế nhưng cho đến năm 2013, tức là 18 năm sau, câu chuyện về giống lúa IR50404 vẫn còn nóng. Bởi thực tế, các viện nghiên cứu chưa tìm ra được giống lúa thay thế giống lúa IR50404. Trong khi đó, chủ trương của ngành là sẽ giảm dần sử dụng giống có phẩm cấp thấp, tăng sử dụng giống chất lượng cao. Đây chính là một bất cập trong công tác nghiên cứu giống lúa.
Mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu nông nghiệp là phải nâng cao được đời sống của người nông dân. Duy Khương - TTXVN |
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, mặc dù nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản, nhưng chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn gây nhiều bức xúc trong dư luận, cản trở nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường các quốc gia phát triển. Thực tế cho thấy, tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ còn ở mức khá cao, nguyên nhân là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Những bất cập trên khiến cho thu nhập của người nông dân vẫn rất thấp.
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến, vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp sẽ đạt khoảng 239.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2011- 2015 (tăng gấp đôi 5 năm trước đó) và giai đoạn 2016- 2020 sẽ đạt 478.800 tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư được điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư thông qua Bộ, tăng phân cấp về cho các địa phương. |
Có thể nhìn nhận rõ nhất thực trạng trên từ các vùng chuyên canh lúa. Khi vào vụ thu hoạch, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất nước, luôn đối mặt với thực trạng lúa rớt giá. Chính phủ đã triển khai chương trình tạm trữ lúa, gạo với mục đích ngăn không cho giá lúa giảm sâu khi vào vụ thu hoạch và đảm bảo nông dân có lãi ở mức tối thiểu 30%. Tuy nhiên, theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong quá trình thực hiện thu mua tạm trữ, giá lúa tăng không đáng kể. Điều đáng nói hơn là người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi 30% như mục tiêu mà ngành nông nghiệp đề ra.
Hệ quả của thực trạng trên là đời sống của người nông dân rất khó khăn. Theo số liệu điều tra của Bộ NN&PTNT, hiện có hơn 90% số người nghèo của cả nước sinh sống ở địa bàn nông thôn.
Ngoài ra, theo thống kê tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đã giảm mạnh. Cụ thể, giai đoạn 1995 - 2000, mức tăng trưởng GDP của ngành đạt 4%/năm, sang giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống chỉ còn 3,3%/năm và hiện nay chỉ đạt trên 2,7%/năm. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng giảm mạnh: năm 2010 đạt gần 3,9% nhưng đến nay chỉ còn 3,8%.
Cải thiện đời sống nông dân
Định hướng chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng tới sự phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, được áp dụng cho các ngành hàng và các vùng miền. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp, trồng trọt vẫn là lĩnh vực quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tái cơ cấu ngành trồng trọt sẽ được thực hiện trên cơ sở đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm, phát huy lợi thế vùng miền; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng đầu tư vào khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Như vậy, ngoài việc cần tăng đầu tư cho nông nghiệp, bản thân ngành phải nghiên cứu ra được giống lúa có phẩm cấp và năng suất cao. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, muốn phát triển ngành lúa gạo, không còn cách nào khác là phải dựa vào khoa học công nghệ. Do vậy, các viện nghiên cứu về giống phải đưa ra được giống mới, hiệu quả, bền vững cho nông dân.
Nhìn từ góc độ quy mô sản xuất, ông Dương Quốc Xuân cho rằng, triển khai đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Người nông dân và doanh nghiệp cần liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Theo mô hình này, nông dân có thể góp cổ phần với doanh nghiệp bằng chính diện tích đất canh tác. Trong chuỗi sản xuất đó, người nông dân làm ra sản phẩm, doanh nghiệp chịu trách nhiệm lo đầu ra với phương châm cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro. Ông Xuân cho biết: “Ngành nông nghiệp có thể đặt ra những mục tiêu lớn nhưng theo tôi, đích đến cuối cùng của tái cơ cấu ngành phải là nâng cao được chất lượng cuộc sống cho người nông dân”.
Huyền Tím