Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên với tấm bằng loại khá; tháng 7/2011, khi biết thông tin tuyển dụng Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã đặc biệt khó khăn, Hương đã đăng kí tham gia. Trúng tuyển, Hương được phân công về làm Phó Chủ tịch xã Nam Quang.
“Cầu dân góp” đã hoàn thành đi vào sử dụng. |
Nam Quang là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm. Hương là dân tộc Tày, nhưng ở xã Nam Quang, bà con thôn bản đa phần là dân tộc Nùng, Mông, Sán Chỉ, nên lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ... Ngoài vai trò Phó Chủ tịch xã, Hương còn được giao làm tổ trưởng tổ thực hiện Chương trình 30a, 135 và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hương cho biết, mới nhận công việc, cũng nhiều bỡ ngỡ, nhưng cô đã mạnh dạn hỏi han, lắng nghe cấp trên. Đặc biệt, dù là công việc gì cô cũng luôn lấy dân làm gốc, thông qua các cuộc họp xóm để thấy được nguyện vọng, nhu cầu của dân, sau đó mới xây dựng đề án, trình lãnh đạo xem xét phê duyệt.
Qua một thời gian tự nghiên cứu, mày mò tìm hiểu, nhận thấy người dân ở đây có truyền thống chăn nuôi lợn đen và thịt lợn đen được người tiêu dùng ưa chuộng, Hương liền xây dựng đề án “Phát triển đàn lợn đen ở địa phương”. Sau đó, cô tiếp tục nghiên cứu và xây dựng mô hình “Lai giữa lợn nái Móng Cái và lợn đực đen địa phương”, được xã phê duyệt Hương liên hệ với Công ty giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng được công ty hỗ trợ 2 con lợn nái Móng Cái về cho 2 hộ gia đình nuôi thử nghiệm. Đến nay, đã có kết quả tốt và chuẩn bị nhân rộng ra toàn xã.
Hương đi khảo sát con suối để làm cầu. |
Phó Chủ tịch xã Trần Thị Hương còn được mọi người ca ngợi vì “tài” dân vận khéo. Năm 2013, từ nguồn vốn của các dự án phi chính phủ, cô đã đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng mương bê tông để phục vụ nước tưới tiêu cho đồng ruộng và trực tiếp vận động nhân dân đóng góp ngày công để thực hiện. Kết quả là sau 1 tháng triển khai, mương bê tông dài gần 400 m được đưa vào sử dụng phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng 3,5 ha, trong đó nhân dân đóng góp gần 200 ngày công lao động.
Hương thường xuyên xuống tận thôn xóm để hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con nhiều hơn. Cũng trong những chuyến đi đó, cô nhận thấy giao thông đi lại trên địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn, nhiều thôn, chòm xóm vẫn chưa có đường đi. Từ đây Hương đã vận động nhân dân tự mở đường đất để xe máy đi lại được, sau này có thêm kinh phí sẽ mở rộng thêm để đổ bê tông. Hiện tại, 10/10 xóm trên địa bàn xã đã có đường xe máy đi lại đến tận trung tâm thôn xóm, nhà của mỗi hộ dân.
Đặc biệt, trên đoạn đường từ xã đến trung tâm huyện phải đi qua một con suối, mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho trẻ em đến trường và bà con nhân dân qua lại. Phó Chủ tịch xã Trần Thị Hương đã chăm chỉ đi vận động các nhà hảo tâm, nhân dân góp công góp sức, vật liệu để làm cầu. Kết quả không ngoài mong đợi, số tiền được ủng hộ làm cầu gần 60 triệu đồng, nhân dân địa phương tự nguyện góp 230 ngày công, 10 m2 đất. Và cây cầu mang tên “Cầu dân góp” đã hoàn thành đi vào sử dụng từ tháng 3/2016 phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân 3 xã Nam Quang, Tân Việt, Nam Cao, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.