Ổn định cuộc sống người dân tái định cư thủy điện Lai Châu

Công trình Thủy điện Lai Châu có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng. Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà.

Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện giúp người dân tái định cư thủy điện Lai Châu nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Công trình được hoàn thành có sự đóng góp không nhỏ của trên 2.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, những người đã nhường đất để tạo nên lòng hồ tích nước. Các khu tái định cư của người dân đều được xây dựng cơ sở hạ tầng mới; hệ thống thủy lợi, giao thông, trường học, trạm y tế... tương đối phù hợp với quy hoạch chung phục vụ sản xuất và đời sống của các hộ tái định cư thủy điện.

Ngôi nhà sàn kiên cố, rộng rãi, mái lợp tôn mới trị giá gần 200 triệu đồng của gia đình chị Điêu Thị Thiện, dân tộc Thái ở bản tái định cư Nậm Hài, xã Mường Mô, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu được hoàn thành từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua dự án di dân tái định cư thủy điện Lai Châu. Sau 4 năm về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình chị Thiện ổn định hơn rất nhiều.

Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống rất khó khăn. Khi về nơi ở mới, có chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước về vốn và cây con giống, gia đình chị đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình; mua thêm gà, vịt để chăn nuôi; tăng gia sản xuất trên diện tích đất được cấp... Nhờ đó tới nay gia đình chị Thiện đã thoát nghèo và có thêm nhiều vốn hơn để tích lũy.

Chị Điêu Thị Thiện cho biết: Chỗ ở cũ của gia đình chị không có điện, nước sinh hoạt cũng thiếu, ảnh hưởng đến cuộc sống, con cháu học hành không được đảm bảo. Được lên khu tái định cư, điện sinh hoạt có, nước có; trồng lúa, làm nương mùa vụ nào cũng được nhiều nên gia đình chị luôn luôn có của ăn, còn có thể tích trữ để chăm lo cho sau này".

Với hộ gia đình anh Lò Văn Phú, dân tộc Thái ở bản tái định cư Bản Giẳng, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cuộc sống hiện tại so với nơi ở cũ như bước sang một trang mới. Theo chương trình di dân tái định cư, gia đình anh Phú và người dân cùng bản về điểm tái định cư này được thụ hưởng các chính sách tái định cư về cấp đất làm nhà, hỗ trợ sản xuất.

Anh Lò Văn Phú chia sẻ: Ở nơi ở mới, nhà của người dân được xây dựng và bố trí gọn gàng, sạch sẽ; đường nội bản được bê tông hóa, đi lại thuận tiện hơn, bản làng sạch sẽ, cuộc sống vật chất và tinh thần đều tốt hơn ngày trước. Bà con dân bản rất vui. Sinh hoạt ở trên này nói chung rất thoải mái nên người dân yên tâm lao động, sản xuất...

Trẻ em khu tái định cư sinh hoạt tại lớp học khang trang.

Sau hơn 8 năm, hiện nay, trung tâm xã Mường Mô, huyện Mường Tè, Lai Châu đã mang dáng dấp của một thị tứ vùng cao. Đồng bào tái định cư có đường đi lại thuận lợi, có điện nước thường xuyên nên nhiều gia đình sắm ti vi, xe máy, các loại máy nông nghiệp, trẻ em được học hành trong trường lớp khang trang. Ngoài được cấp đất để làm nhà và đất sản xuất, hỗ trợ di chuyển, bồi thường... các hộ dân tái định cư còn được Nhà nước hỗ trợ lương thực trong 4 năm.

Ông Mào Văn Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cho biết: Sau khi chuyển một số hộ dân lên nơi ở mới, chính quyền xã đã giúp các hộ ổn định cuộc sống. Khi được lên bản mới, hầu hết người dân lo lắng là sẽ làm gì để có cái ăn tại một nơi canh tác, sản xuất mới, lạ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lương thực trong 4 năm của Nhà nước đã giúp người dân yên tâm sinh sống.

Ngoài ra, để giữ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các ngày lễ tết, lễ hội.... Các bản trong xã đều có đội văn nghệ riêng và thường xuyên tổ chức biểu diễn, giao lưu.

Từ những kinh nghiệm và bài học quý về di dân thủy điện Sơn La trên địa bàn, Lai Châu đã gắn quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và thực tế từng địa bàn; gắn xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng tái định cư với xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai các chính sách tái định cư, các địa phương đã đảm bảo được tính dân chủ, công khai, tạo được sự đồng thuận cao của người dân và chính quyền cơ sở. Chính vì thế, Lai Châu đã có trên 2.000 hộ dân tái định cư được di dời, ổn định cuộc sống ở 6 xã và 2 thị trấn của huyện Nậm Nhùn và Mường Tè.

Hiện nay, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên các khu, điểm tái định cư thủy điện Lai Châu đã cơ bản được hoàn thiện. Lai Châu đang bắt tay vào hoàn thiện việc giao đất ở, đất sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào tái định cư thủy điện Lai Châu.
 
Bài, ảnh: Quang Duy (TTXVN)
Ổn định đời sống cho các hộ dân tái định cư các dự án thủy điện
Ổn định đời sống cho các hộ dân tái định cư các dự án thủy điện

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 3 công trình thủy điện lớn ảnh hưởng đến việc di dân tái định cư là thủy điện Plei Krông, Đăk Đrinh và Thượng Kon Tum, với gần 1.500 hộ, 7.137 khẩu ảnh hưởng phải tái định canh, định cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN