Từ ngày nghỉ hưu, vợ chồng tôi cứ quanh quẩn trong bốn bức tường, hết đi ra rồi lại đi vào. Các con đi làm, đứa cháu nội đi học. Việc đưa đón cháu, bố mẹ cháu cũng giành hết bởi chúng không yên tâm với tình trạng đường phố của Thủ đô người xe đi lại đông như mắc cửi.
Việc chợ búa, cơm nước cũng đơn giản vì chúng tôi phải ăn kiêng. Nhà lại có người giúp việc nên ngồi mãi vợ chồng tôi cũng buồn chân, buồn tay. Thấy cuộc sống lúc tuổi già ở chốn đô thành nhàm chán, tôi quyết định chuyển ra ngoại ô sinh sống (gia đình tôi đã mua được mảnh đất ở ngoại ô cách đây hơn 10 năm) để thay đổi không khí. Không ngờ khi tôi nói ra điều này, bà nhà tôi cũng ủng hộ hết sức nhiệt tình; các con tôi cũng không phản đối.
Tôi chỉ xây một căn nhà nhỏ, đủ ở; toàn bộ diện tích đất còn lại dành để trồng cây. Đã sẵn có vài cây bưởi, nhãn cổ thụ, nên tôi chỉ cần cải tạo lại và trồng thêm một số loại cây hoa khác. Bạn bè đến chơi, không ai không xuýt xoa và ao ước có một căn nhà như vậy.
Họ bảo rằng tôi như thoát tục, như sống trong cảnh bồng lai… Tôi cũng thấy hãnh diện về “ngôi nhà ngoại ô” của mình. Tôi chăm sóc, cắt tỉa, dọn dẹp vườn tược cả ngày mà không biết mệt. Thú thực, từ ngày chuyển về đây sinh sống, cả hai vợ chồng già đều thấy khỏe ra.
Căn nhà ngoại ô xinh xắn cần được “nuôi dưỡng” bằng tình làng nghĩa xóm-Ảnh CTV
|
Nhưng cho đến thời điểm này, sau niềm háo hức ban đầu, tôi bắt đầu thấy việc chuyển về đây sống chưa hẳn là tốt đẹp với chúng tôi. Bạn bè đều ở xa, một hai tháng mới gặp nhau một lần bởi việc đi lại của người già như chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, hàng xóm ở đây lại không mấy thân thiện.
Họ nói rằng tôi là dân trí thức, lúc nào cũng chỉ biết có mình mà thôi; rằng cửa nhà tôi lúc nào cũng đóng im ỉm; rằng tôi thừa tiền (bỏ hàng chục triệu mua một cây cảnh) nên không hợp với xóm nhỏ ngoại ô nghèo; rằng nhà tôi với nhà họ như hai bức tranh trái gam màu…
Còn bọn trẻ con trong xóm thì nghịch kinh khủng. Cứ đến mùa nhãn chín là chúng trèo vào bẻ trộm cả cành. Bưởi còn he cũng bị chọc cho rụng hết. Nói chung, tôi có cảm giác mình đang bị cô lập khi sống ở đây.
Có lẽ ước mơ của tôi được sống trong một căn nhà ngoại ô thanh bình và tĩnh lặng đang bị chính người dân nơi đây làm cho “phá sản”!
Nguyễn Đức Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội).
Trước đây sống ở thành phố, có thể gia đình bác và gia đình những người hàng xóm ít quan tâm, giao lưu với nhau. Lối sống này có thể thích hợp ở thành thị, còn ở nông thôn thì khác.
Một nhà có chuyện xảy ra hôm trước thì hôm sau cả làng cả tổng biết; nhà này hết gạo thì vác rá sang nhà bên cạnh lấy tạm gạo; sau bữa cơm tối các cụ chỉ cần có ấm trà mà ngồi với nhau tới tận “đọc truyện đêm khuya”. Rõ ràng đây là hai lối sống hoàn toàn khác nhau...
Việc bác bị cô lập khi sống trong môi trường mới âu cũng là chuyện dễ hiểu. Lý do là bởi lối sống của hai bác quá khác so với lối sống của người dân bản địa. Coi trọng yếu tố tình cảm, tình xóm giềng, người dân quê luôn “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Để phá thế bị cô lập, chắc chắn bác phải “biến” mình thành người ngoại ô rồi. Thay vì chỉ có mỗi hai ông bà thưởng trà dưới tán cây cổ thụ râm mát, hai bác hãy mời thêm những người láng giềng; chủ động cho lũ trẻ nhỏ những trái chín đầu mùa; thỉnh thoảng đi thăm hàng xóm... T
ình cảm xóm giềng không tự nhiên đến, nó cần chúng ta vun đắp, chăm sóc hàng ngày. Cuộc sống sẽ đẹp hơn, có ý nghĩa hơn khi quanh ta là những người ta yêu mến và cũng yêu mến ta. Khi đó, căn nhà nhỏ ngoại ô của hai bác mãi mãi là chốn bình yên!
Hiền Hòa