LTS: Sau khi công chúng lên tiếng về trách nhiệm xã hội của Hoa hậu, nhiều nhà quản lý, những người đã từng trực tiếp tham gia hoạt động cùng các Hoa hậu, tham gia chấm chọn và đồng hành cùng các cuộc thi Hoa hậu… cũng đã lên tiếng đồng tình về việc Hoa hậu cần có trách nhiệm xã hội. Báo Tin tức xin được trích đăng những ý kiến này.
TS-NSƯT Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội người mẫu Việt Nam, giám khảo nhiều cuộc thi Hoa hậu và người đẹp của Việt Nam: “Cần có kế hoạch hậu đăng quang”
Có nhiều lý do dẫn đến việc Hoa hậu không phát huy được vai trò của mình sau khi đăng quang. Thứ nhất là về phía nhà tổ chức, chưa hề có nhà tổ chức nào có kế hoạch tiếp theo sau đêm chung kết để có thể tạo cho Hoa hậu có những cơ hội và điều kiện để phát triển. Gần như trách nhiệm của nhà tổ chức chỉ đến đêm chung kết là hết, không có kế hoạch “hậu đăng quang”.
Các thí sinh Hoa hậu Dân tộc tham gia hoạt động từ thiện tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tàn tật Quảng Nam. |
Về phía các Hoa hậu, nếu họ có tham gia vào các hoạt động xã hội, thì hoạt động của họ cũng manh mún, lẻ tẻ. Vì không có nhà tổ chức định hướng, nên các Hoa hậu mạnh ai nấy làm, bị cuốn theo đời sống bình thường, không đặt nặng trách nhiệm xã hội của mình, mà chạy theo những hoạt động cá nhân. Điều này dẫn đến tình trạng có Hoa hậu thành đạt, có tên tuổi, trở thành MC, doanh nhân giàu có; nhưng cũng có người vi phạm pháp luật, vướng vào tệ nạn xã hội… Thực trạng này một mặt do nhà tổ chức, nhưng mặt khác cũng do các thí sinh đã đăng quang chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.
Muốn Hoa hậu phát huy được trách nhiệm xã hội, không có cách nào khác là các nhà tổ chức phải có kế hoạch “hậu Hoa hậu”, tức là sau đăng quang Hoa hậu sẽ làm gì và nhà tổ chức phải tạo điều kiện cho họ hoạt động ra sao. Nhà tổ chức cũng phải có chế độ, kế hoạch cụ thể cho Hoa hậu, để Hoa hậu sắp xếp tham gia, vì bản thân Hoa hậu cũng không thể cứ ngồi chờ kế hoạch của nhà tổ chức, mà họ còn có cuộc sống riêng của mình. Chính vì vậy Hoa hậu cũng cần phải biết kế hoạch của nhà tổ chức để sắp xếp tham gia. Tôi tin khi có kế hoạch, họ sẽ rất ủng hộ, sẽ tham gia tốt, vì chắc không Hoa hậu nào muốn đánh mất tên tuổi của mình cả. Họ đều muốn phát huy, nhưng vấn đề ai là bà đỡ cho họ phát huy? Đó chính là nhà tổ chức! Nếu nhà tổ chức làm tốt, chắc chắn các Hoa hậu sẽ phát huy được công tác từ thiện, quảng bá, tuyên truyền cho các sản phẩm làng nghề, các địa điểm văn hóa, du lịch…
Về vấn đề thiếu chế tài trong việc xử lý Hoa hậu khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình, theo tôi, trong khi soạn thảo Nghị định 79, các nhà quản lý mới nhìn dưới góc độ nhà quản lý thôi, chứ chưa nhìn ở góc độ của nhà tổ chức, thế nên chỉ quy định chặt chẽ ở điểm làm sao cho nhà tổ chức làm đúng luật pháp, đảm bảo cuộc thi mang lại giá trị thẩm mỹ cho công chúng, nhưng chưa đề cập tới khát vọng của nhà tổ chức. Bên cạnh đó, bản thân các nhà tổ chức cũng chưa ai ra đặt vấn đề, nên các nhà quản lý chưa nghĩ tới. Nhưng sắp tới chắc cũng cần phải bổ sung nội dung này.
NSND Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường múa TP.HCM, Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa TP.HCM: “Xã hội cũng cần gợi mở cho Hoa hậu”
Sau khi các Hoa hậu đăng quang, có một thực tế là Hoa hậu phải tìm cách gìn giữ nhan sắc, dung nhan của mình; để luôn giữ được hình ảnh đẹp của Hoa hậu. Tất nhiên, bên cạnh việc gìn giữ được dung nhan, nhan sắc ấy, thì phải kèm theo sự hậu thuẫn về kinh tế. Đồng nghĩa với việc Hoa hậu phải tìm đến một người đỡ đầu, một “đại gia” như cách gọi của xã hội lâu nay. Nhưng những người đỡ đầu ấy ngược lại cũng có sự khống chế với các Hoa hậu, để họ chỉ được làm những việc này, việc kia. Đó là lý do thứ nhất dẫn tới việc Hoa hậu chỉ tham gia những hoạt động mang lại lợi ích kinh tế lớn, cả cho Hoa hậu lẫn cho người đỡ đầu.
Thứ hai, nếu không có các “đại gia” thì cũng có những người o bế các Hoa hậu (mà chúng ta hay gọi là người đại diện hay người quản lý) để tổ chức hoạt động cho các Hoa hậu. Khi đó Hoa hậu muốn tiếp xúc với ai, làm những gì đều phải do bàn tay của những người ấy can thiệp. Ở đây, quan hệ này không mang tính chất về tình cảm, mà quan hệ về kinh tế, thị trường hẳn hoi.
Bên cạnh đó, lại có số ít những Hoa hậu tự co mình trở lại, ít xuất hiện trong xã hội, mà đầu tư nâng cao tri thức. Tất nhiên đó là những người có điều kiện, có học thức, họ tập trung vào học hành, và khi đó Hoa hậu đã hoàn toàn ở một tri thức khác, muốn khẳng định mình ở một lĩnh vực khác.
Ở Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch “hậu Hoa hậu”, tức là sau khi đăng quang cần phải tiếp tục giáo dục, định hướng cho Hoa hậu, chứ không phải kết thúc cuộc thi là kết thúc hết.
Ở nước ngoài, cách tổ chức của họ tương đối chuyên nghiệp. Sau khi đăng quang, các Hoa hậu sẽ được lên truyền hình, được đánh giá về ý nghĩa của cuộc thi, vai trò và sự quan trọng của Hoa hậu trong xã hội. Hoa hậu được đánh giá là cùng với cuộc thi mang lại những lợi ích tốt đẹp, những giá trị, ý nghĩa gì cho xã hội. Và sau cuộc thi, Hoa hậu cũng vẫn tiếp tục được tôn vinh, được nhắc nhớ đến trong các hoạt động, chương trình, kế hoạch… rất đầy đủ, dài hơi. Ví như một Hoa hậu Nga sau đăng quang đã quyết định đầu tư học tập, nâng cao tri thức; và đã có những đề tài nghiên cứu khoa học khá thuyết phục. Điều đáng nói là khi cô lên truyền hình bày tỏ về đề tài này, thì đã được những lãnh đạo của vùng đất quê hương mình cam kết sẽ tạo điều kiện cho cô triển khai đề tài này tại quê hương. Đồng thời, một doanh nghiệp khác cũng đã cam kết tạo điều kiện cho cô có thể thử nghiệm đề tài của mình tại cơ sở của họ. Có nghĩa là cả xã hội đã đồng hành cùng Hoa hậu trong hoạt động xã hội, trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của cô, khiến Hoa hậu có thêm động lực, cũng như điều kiện vật chất để có thể tham gia hoạt động, phát triển. Và khi được công luận, xã hội định hướng, hỗ trợ như vậy, bản thân nhận thức của Hoa hậu cũng tăng lên và họ tự thấy phải thực thi trách nhiệm xã hội của mình, mà không cần ép buộc hay chế tài.
T.T