Phát hiện nhiều vi phạm bản quyền phần mềm

Cơ quan chức năng vừa phát hiện số phần mềm vi phạm có giá trị lên tới 10 tỷ đồng trong đợt thanh tra tại 6 doanh nghiệp nước ngoài .

Kiểm tra một đơn vị kinh doanh vi phạm bản quyền phần mềm.

Trong đợt thanh tra vừa diễn ra, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 (Bộ Công an), đã tiến hành đợt kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bản quyền máy tính tại 6 doanh nghiệp nước ngoài, gồm: Một doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) chuyên về sản xuất giầy thể thao; một công ty của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực phát triển, lập trình các phần mềm ứng dụng; một doanh nghiệp của Hàn Quốc chuyên sản xuất các phụ kiện may mặc và túi nhựa, túi kim loại; một công ty liên doanh Việt - Anh chuyên nghiên cứu và sản xuất hóa chất thuốc và dược liệu; một công ty 100% vốn Trung Quốc kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và đồ điện tử; một doanh nghiệp 100% vốn của Australia, chuyên cung cấp các phần mềm ứng dụng và giải pháp quản lý tài liệu.


Kiểm tra 536 máy tính tại 6 doanh nghiệp, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện tổng số phần mềm không có bản quyền có giá trị lên tới 10 tỷ đồng, lớn nhất từ đầu năm tới nay. Trong đó số giá trị phần mềm bất hợp pháp lớn nhất lên tới 4 tỷ đồng, đã được tìm thấy tại doanh nghiệp Hàn Quốc. Các phần mềm vi phạm là sản phẩm của các hãng Adobe, Autodesk, Lạc Việt và Microsoft.


Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cho biết: “Điều đáng lên án là nhiều công ty có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng họ vẫn cố tình trốn tránh việc mua phần mềm có bản quyền. Là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%, họ hiểu rất rõ về Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp “tài sản trí tuệ” của người khác cho mục đích vận hành kinh doanh của doanh nghiệp mình”.


Trao đổi với phóng viên, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA I Liên minh phần mềm, chia sẻ: Chi phí mua phần mềm máy tính chỉ chiếm 5 - 6% tổng chi phí hàng năm của doanh nghiệp, không quá lớn nếu so với chi phí khắc phục sự cố và rủi ro từ phần mềm bất hợp pháp. Trong khi đó, sử dụng phần mềm hợp pháp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trước tiên là ít rủi ro về pháp lý, không phải trả tiền phạt khi bị thanh tra, kiểm tra. Người sử dụng sẽ được hỗ trợ về pháp lý, về kỹ thuật như vá phần mềm bị lỗi hay cách khắc phục sự cố, phần mềm không bị lỗi, không bị nhiễm virút, không có lẫn phần mềm gián điệp, nhất là trong thời kỳ bùng nổ của các virút độc hại, tội phạm công nghệ cao như hiện nay.


Ông Tarun Sawney nhấn mạnh: “Quan trọng hơn, phần mềm có bản quyền giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thương hiệu, khẳng định uy tín và tính minh bạch của doanh nghiệp”.


Trên thực tế, khi sử dụng những phần mềm không có bản quyền, các doanh nghiệp đã tự đẩy mình vào những rủi ro rất cao về mặt pháp lý. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với các hình thức xử phạt nghiêm khắc.
“Để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống còn 70% vào năm 2018, song song với tuyên truyền, giáo dục thì công tác kiểm tra sẽ được đẩy mạnh và quyết liệt hơn”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cho biết.

 

A.M

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN