Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây biến chứng nặng cho cả bà mẹ và thai nhi, song nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì vẫn có thể kiểm soát được căn bệnh này.
Mắc bệnh vì tẩm bổ nhiều
Mang thai ở tuần thứ 31, chị Nguyễn Thị Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất lo lắng khi thấy em bé trong bụng không đạp như mọi ngày. Khi tới khám tại một bệnh viện phụ sản tại Hà Nội, chị Hà lại càng hoảng hốt vì bác sĩ cho hay con trai bé bỏng của chị bị dị tật; nguyên nhân có thể do mắc đái tháo đường thai kỳ vì chị tẩm bổ quá mức, dẫn đến việc tăng cân nhanh trong quá trình mang thai.
Số là, lấy nhau được hơn 1 năm thì vợ chồng chị Hà mới có tin mừng. Vui mừng khôn xiết, lại thấy nhiều em bé mới sinh ra đã nặng tới 4 kg, chị Hà thích lắm nên ra sức tẩm bổ để em bé trong bụng sau này cũng bụ bẫm, khỏe mạnh. Vậy nên, ngoài việc uống 3 cốc sữa mỗi ngày, ai mách đồ ăn thức uống gì bổ dưỡng cho thai nhi, chị Hà đều cố ăn dù lắm khi phải “nhắm mắt nhắm mũi”. Hậu quả là, có thai được hơn 6 tháng thì chị Hà đã tăng tới 18 kg và mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bé trai của chị mắc dị tật từ khi còn ở trong bụng mẹ.
Theo BS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa đái tháo đường Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai: Tỷ lệ thai phụ đái tháo đường thai kỳ tại Việt Nam là khá cao. Năm 2010, tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành nghiên cứu tầm soát đái tháo đường thai kỳ trên 2.000 bà mẹ mang thai. Kết quả, tỷ lệ thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ là 5,97%.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết dẫn đến tăng lượng đường huyết trong thời kỳ chị em phụ nữ mang thai. Nhiều người sau khi sinh xong thì đường huyết trở lại bình thường nhưng cũng có người trở thành đái tháo đường thực sự.
“Những thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao có thể mắc bệnh tiểu đường thai kỳ gồm: Phụ nữ trên 35 tuổi; trong gia đình có người trực hệ bị đái tháo đường (bố mẹ, anh chị em ruột, ông bà nội, ngoại). Những phụ nữ có bệnh lý về sản khoa (tiền sản giật, thai lưu, từng sinh con trên 4 kg, đẻ khó…), bị béo phì trước khi mang thai, trong quá trình mang thai bà mẹ lên cân rất nhanh hoặc do bồi dưỡng nhiều khiến cân nặng tăng nhanh, nhất là bà mẹ trước đó đã béo phì… thì cần tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, phát hiện tình trạng bệnh (nếu có)”, PGS. TS Nguyễn Khoa Diệu Vân khuyến cáo.
Có thể chủ động kiểm soát bệnh
Theo các chuyên gia y tế, tiểu đường thai kỳ có thể gây những ảnh hưởng rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Người mẹ có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén và nguy cơ bị bệnh tiểu đường thực sự trong tương lai... Nếu mẹ không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, có thể gây sảy thai, thai dị tật, thai chết trong bụng mà không rõ lý do, thai lớn nên sinh khó, nguy cơ cao phải mổ khi sinh, bé dễ bị ngạt, vàng da nặng… Khi sinh ra, những trẻ này dễ bị thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ dị dạng bẩm sinh, suy hô hấp, gây rối loạn chuyển hóa sơ sinh như hạ đường huyết, đa hồng cầu...
“Điều đáng lưu ý là đái tháo đường thai kỳ hoàn toàn không có triệu chứng và tới khi có triệu chứng thì có thể gây biến chứng rất nguy hiểm cho bà mẹ và em bé. Thực tế, nhiều bà mẹ đến với chúng tôi khi đường máu đã ở mức cao và trong tình trạng đi tiểu nhiều, uống nước nhiều, sút cân, thậm chí hôn mê. Vì vậy, các bà mẹ cần tìm hiểu xem mình có thuộc nhóm nguy cơ không để đi kiểm tra sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu được phát hiện sớm, bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát, đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi”, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân khẳng định.
Để phòng ngừa những biến chứng đáng tiếc, chị em khi mang thai phải đi khám thường xuyên, thử máu, nước tiểu. Khi mang thai ở tuần 24-28, các bà bầu nên đến cơ sở chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường để làm nghiệm pháp tăng đường huyết, chẩn đoán xem có bị bệnh hay không để các bác sĩ có cách kiểm soát và điều trị hợp lý.
Sau khi sinh từ 6 - 12 tuần, những bà mẹ từng được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần đến cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm lại xem mình có bị đái tháo đường thực sự hay không. |
Những thai phụ bị mắc tiểu đường thai kỳ thì cần theo dõi đường máu, thường xuyên đến bác sĩ chuyên khoa để xem chế độ dinh dưỡng đã đạt yêu cầu chưa. Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc nếu thấy cần thiết. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày. Bởi lẽ, thực tế đã có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng: Đường máu tăng cao, nhiễm trùng đường tiết niệu, ảnh hưởng đến tính mạng của cả bà mẹ và em bé.
Những thai phụ bị bệnh tiểu đường thai kỳ cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ tinh bột, rau, đạm, chất sắt, vitamin... Đồng thời, thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết sát sao và duy trì chế độ luyện tập, đi bộ nhẹ nhàng khoảng 20 - 30 phút sau khi ăn 1 giờ.
Để phòng bệnh, những phụ nữ chuẩn bị làm mẹ hãy kiểm tra sức khỏe trước khi có thai. Đối với phụ nữ thừa cân thì cần phải thay đổi chế độ dinh dưỡng, giảm cân ngay từ trước khi bắt đầu thụ thai.
Phương Liên