Hiện nay trên địa bàn Lai Châu có 4 điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận là bản Nà Luồng, bản Hon (huyện Tam Đường), bản Gia Khâu I (thị xã Lai Châu) và bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ).
Nhiều điệu múa độc đáo là điểm nhấn cho du lịch Lai Châu. |
Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) là một trong những bản cổ xưa nhất của đồng bào Thái trắng ở Lai Châu, có những nét văn hóa đặc trưng với 36 điệu xòe, ẩm thực độc đáo và nhiều lễ hội văn hóa đặc biệt không thể hòa lẫn như lễ hội Nàng Han, Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu... Bản Hon (huyện Tam Đường) cũng không kém hấp dẫn với 100% đồng bào dân tộc Lự sinh sống. Những năm qua, bản sắc dân tộc Lự nơi đây vẫn được bảo tồn và duy trì qua nhiều thế hệ với những kiến trúc nhà sàn, tục nhuộm răng đen, dệt vải, đan lát... Ngoài ra, còn nhiều địa điểm du lịch mang nét hoang sơ như động Tiên Sơn; thác Tắc Tình; động Thiên Sơn - Pa Sam Cáp; cao nguyên Sìn Hồ; núi Đá Ô; suối khoáng nóng Vàng Pó... cùng hàng trăm điểm du lịch với nhiều sản phẩm được tạo ra từ các nghề truyền thống đồng bào như ẩm thực, rượu ngô, vải thổ cẩm, mây tre đan... Đây chính là những thế mạnh để Lai Châu phát triển hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng.
Tiềm năng du lịch là rất lớn và dù một số điểm du lịch đã đi vào hoạt động, nhưng việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại Lai Châu vẫn mang tính chất manh mún và chưa thực sự hiệu quả. Ông Mào Văn Niểm, trưởng bản Vàng Pheo cho biết, mỗi tháng bản chỉ đón tiếp khoảng 2 đến 3 đoàn khách vãng lai, số lượng mỗi đoàn rất ít.
Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu, thì còn do hầu hết người dân ở các bản du lịch cộng đồng đều chưa được trau dồi các kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách. Điều này ảnh hưởng đến quá trình kéo dài thời gian lưu trú của khách. Hơn nữa, các điểm du lịch cộng đồng lại nằm rải rác, cách xa nhau nên di chuyển khá vất vả, trong khi đường giao thông đi lại rất khó khăn.
Tin, ảnh: Quang Duy