Phát triển nhân lực lãnh đạo vùng Tây Bắc

Tây Bắc là vùng còn nhiều khó khăn trong phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế  - xã hội còn thấp kém; trình độ dân trí chưa đồng đều, tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Đây là các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến sự phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công của vùng...

Trình độ chưa đồng đều

Nhìn chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công vùng Tây Bắc có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ giác ngộ cách mạng sâu sắc, có trình độ chuyên môn, trí tuệ, năng lực lao động sáng tạo, khả năng điều hành, vận dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tế; thực hiện chủ trương, chính sách và đã có nhiều đóng góp, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển KT - XH vùng núi, vùng DTTS ở khu vực Tây Bắc.

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ cao còn rất thấp, không đồng đều giữa các dân tộc, chủ yếu tập trung ở các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Nùng, Thái. Toàn vùng Tây Bắc chỉ có trên 100 tiến sĩ (đạt 0,042%) và tỷ lệ người dân tộc thiểu số có trình độ thạc sỹ chỉ chiếm 0,8%...

Vùng Tây Bắc rất thiếu đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nhất là ngành y, dược. Ảnh: Đỗ Bình


Trình độ, năng lực điều hành của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công, nhất là ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu công tác. Đặc biệt là ở cấp xã, mới chỉ có hơn 50% cán bộ, 77% công chức xã và 44% cán bộ không chuyên trách đạt chuẩn về trình độ theo quy định.

Vùng Tây Bắc rất thiếu đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nhất là ngành y, dược.

Về giới tính, đã thể hiện sự bình đẳng giới, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ còn thấp.

Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công tuổi cao, chủ yếu công tác theo kinh nghiệm và hầu như không phải cán bộ được tạo nguồn tại chỗ, ít được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới. Nhiều cán bộ trẻ, nhất là cấp huyện, xã thiếu am hiểu, kinh nghiệm thực tiễn nên chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý chưa cao; việc vận dụng khoa học vào thực tiễn cũng như việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định cơ chế, chính sách mang tính khả thi cho sự phát triển KT - XH vùng núi, vùng DTTS còn hạn chế.

Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công chưa say mê học tập, nghiên cứu khoa học, đôi khi còn bảo thủ, xa rời hoạt động thực tiễn.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ có lúc còn trái ngành, trái nghề nên chưa phát huy được khả năng và năng lực sở trường của từng cá nhân.
Trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, việc quy hoạch đội ngũ lãnh đạo mới chỉ chú ý đến vấn đề bồi dưỡng để trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý còn vấn đề đào tạo chuyên sâu để trở thành chuyên gia đầu ngành còn rất hạn chế.

Chuẩn bị đội ngũ kế cận

Mỗi năm học sinh phổ thông trung học vùng Tây Bắc tốt nghiệp gần 100.000 em. Đây là nguồn đào tạo sinh viên đại học, cao đẳng cho những năm tiếp theo. Nhưng để phát triển được đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cần có các cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên để họ có thể rút ngắn được các khoảng cách.

Ở các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên chưa có trí thức người DTTS nào ở trình độ tiến sĩ, ở Lai Châu thì chỉ có 4 thạc sỹ. Việc đào tạo cán bộ chưa chú ý đến đào tạo chuyên môn cũng như tin học, ngoại ngữ...

Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và quy hoạch định hướng phát triển cao hơn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công, từ năm 2007 đến năm 2013, các tỉnh trong vùng đã cử trên 300 cán bộ lãnh đạo, quản lý có khả năng tư duy xuất sắc cử đi đào tạo cao, trình độ thạc sỹ, tiến sĩ, khi ra trường số cán bộ này sẽ là hạt nhân, mũi nhọn cho ngành, lĩnh vực và khu vực của từng tỉnh.


Một số kiến nghị, đề xuất

Để có thể nâng cao hiệu quả thu hút và quản lý nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cho khu vực công, khu vực Tây Bắc, cần quan tâm nghiên cứu một số giải pháp như sau:

Cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 86, ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Quy hoạch chiến lược nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc và các cơ chế, chính sách, như: Thu hút, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc; Bố trí, sử dụng nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách của Nhà nước trong phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực công vùng Tây Bắc

Đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng các khung chuẩn của phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực công vùng Tây Bắc.

Các địa phương vùng Tây Bắc và các ban, bộ, ngành có liên quan cần phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các tỉnh tổng kết, đánh giá các mô hình luân chuyển cán bộ theo “chiều dọc” và “chiều ngang” cũng như hiệu quả của các mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu một số mô hình làm tốt công tác phát triển đảng vùng trọng yếu, đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào di cư tự do, làm cơ sở tham mưu cho Ðảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách về cán bộ cơ sở.

Theo Ban chỉ đạo Tây Bắc
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN