Các tỉnh Tây Nguyên đã đưa một số giống cây bản địa, như: Dầu nước, dầu rái, sao đen, giổi xanh, bời lời đỏ, xoan đào, dó trầm, vào trồng trên nhiều vùng sinh thái. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp đã khảo nghiệm và chọn được những giống cây nhập nội có triển vọng tốt để trồng rừng như thông Caribê, các giống bạch đàn E.microrys, E.saligna, keo vùng cao A. meansili, A. melanoxylon. Gần đây ngành cũng đã chọn lọc và xử lý thành công việc sử dụng chồi và nhân giống cây thông đỏ; phân tích tính đa dạng di truyền cho các quần thể cây giổi ăn quả ở tỉnh Gia Lai để phát triển rừng trên diện rộng.
Đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng đã xây dựng vườn giống các dòng keo lai BV10, BV32, BV33, TB11, TB1, TB3; bạch đàn PN14, U6 và chọn cây trội xoan ta, cây tếch để nhân giống bằng cấy phôi và giâm cành phục vụ trồng rừng lấy gỗ và rừng nguyên liệu trên quy mô rộng lớn. Từ năm 2005 đến nay, Viện Khoa học-Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã khảo nghiệm giống cây Macadamia tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông phục vụ trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp. Bước đầu, Viện đã xác định được 5 dòng (246, 816, NG8, Daddow, OC) có triển vọng trồng trên vùng đất Tây Nguyên.
Nguyễn Tiên Tri