Với diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, TP Hồ Chí Minh đã sớm xác định nền nông nghiệp của thành phố phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao (nông nghiệp công nghệ cao - NNCNC). Nhờ hướng đi đúng đắn này, đến nay, các sản phẩm nông nghiệp của thành phố đã có năng suất, chất lượng cao.
Nhiều tín hiệu khả quan
Để phát triển nông nghiệp theo hướng này, ngay từ những năm 2000, TP Hồ Chí Minh đã bắt tay xây dựng một khu NNCNC với quy mô 88 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Đến nay, khu NNCNC đã dần đi vào ổn định với nhiều công việc được triển khai và nhân rộng như: nghiên cứu, ứng dụng nhằm hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây trồng (rau, hoa, cây cảnh); đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ; kêu gọi đầu tư tập trung trong lĩnh vực trồng trọt...
Các giống lan cắt cành của các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao được chuyển giao thành công cho các hộ nông dân. |
Mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh đã và đang cho những kết quả khả quan. Theo đó, kết quả của ngành nông nghiệp liên tục tăng: Năm 2013, GDP ngành nông - lâm - ngư nghiệp thành phố đạt hơn 7.767 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2012; giá trị sản xuất năm 2013 cũng đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2012.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch thành công cơ cấu nông nghiệp từ các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây trồng hiệu quả cao, đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, nếu như năm 2012, năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp thành phố đạt khoảng 79,6 triệu đồng/lao động/năm thì năm 2013 tăng lên 98,6 triệu đồng/lao động/năm. Từ đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn cũng tăng lên rõ rệt: Năm 2010 thu nhập bình quân chỉ khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 66,6% so với thu nhập ở khu vực thành thị, thì nay đã tăng lên 2,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 41% so với 2010, bằng 80% so với thành thị.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố liên tục giảm, nhưng giá trị sản xuất thì tăng lên. Nếu như năm 2012, diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố còn khoảng 55.000 ha, giá trị sản xuất đạt 239 triệu đồng/ha/năm thì đến năm 2013, diện tích đất nông nghiệp giảm còn khoảng 51.300 ha, nhưng giá trị sản xuất đã tăng lên 282,6 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Liêm, giá trị sản xuất đã tăng bình quân 19% giai đoạn từ 2009 - 2013.
Chú trọng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ
Quá trình, phát triển của ngành NNCNC TP Hồ Chí Minh ghi dấu ấn mạnh mẽ từ khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp NNCNC ra đời. Chính từ cơ sở này, thành phố dần hình thành được thế hệ doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại, năng động và thân thiện với môi trường.
Các giống cây ngoại nhập nhờ hỗ trợ của khoa học công nghệ đã phát triển tốt tại Việt Nam (ảnh chụp cây dưa lưới giống Nhật Bản). |
TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp NNCNC, cho biết: “Mỗi năm, trung tâm mở nhiều khóa tập huấn, đào tạo giúp cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn ngay khi chập chững thành lập. Đồng thời, trung tâm còn phối hợp các tổ chức tài chính, tổ chức khoa học - công nghệ, nhà quản lý có khả năng và kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, công nghệ giúp các doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, giảm chi phí hoạt động, dễ dàng tiếp cận các nguồn đầu tư, mạng lưới các đối tác, mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh”.
Ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC TP Hồ Chí Minh, cho biết thêm: “Chúng tôi đang thực hiện chuyển giao quy trình canh tác và cây giống sạch bệnh gồm lan, ớt, dưa leo, rau ăn lá và rau ăn quả cho người dân hay các trang trại ở vùng ngoại thành. Ngoài ra, công tác tập huấn cũng được chuyển giao thường xuyên cho các hội nông dân không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà cả tỉnh như Lâm Đồng, Bạc Liêu... Trung tâm còn liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu, thu mua sản phẩm cho nông dân để xuất khẩu”.
Theo ông Dũng, mới đây, trung tâm đã chuyển giao được khoảng 2 triệu cây lan hồ điệp, 300.000 cây lan Dendrobium và 201.000 cây ớt giống cho nông dân. Nhiều mô hình trình diễn và chuyển giao ứng dụng phương thức canh tác mới cho năng suất cao gấp 2 lần so với cách làm cũ cũng đã được đơn vị chuyển giao tới người dân ở nhiều địa phương, nhất là các xã nông thôn mới ở thành phố và những tỉnh lân cận.
Trong năm 2013, khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo nghiệm thành công một số giống cây trồng mới nhập ngoại phát triển được trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố, như: 19 giống lê nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc; 15 giống dưa lưới từ Nhật Bản, 2 giống cỏ ngọt từ Nga... Bên cạnh đó, trong năm 2013, có 35 đề tài nghiên cứu trong nông nghiệp được triển khai, tập trung vào nhóm đối tượng cây trồng có triển vọng như hoa lan, rau ăn quả, cá kiểng và các loại chế phẩm sinh học... |
“Chức năng đầu tiên của khu NNCNC là hỗ trợ. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua công nghệ, huấn luyện đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, cung cấp giống có chọn lọc... cho các doanh nghiệp và hộ nông dân. Ngoài ra, Khu NNCNC còn tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo, chuyển giao nhân lực, giống ra bên ngoài để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn. Do vậy, việc ứng dụng NNCNC để giải quyết bài toán kinh tế, đời sống vùng nông thôn đã và đang giúp người nông dân thành phố nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Phước Dũng, Trưởng Ban Quản lý khu NNCNC TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Bằng nhiều chính sách hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất NNCNC để chuyển giao các mô hình ứng dụng hiệu quả cho hơn 1,2 triệu nông dân vùng ven, đến nay chương trình này đã và đang giúp quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP Hồ Chí Minh tạo ra nhiều đột phá.
Nhiều lĩnh vực nghiên cứu của khu NNCNC như công nghệ sinh học nông nghiệp, canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa cây cảnh, nấm ăn và nấm dược liệu... được ứng dụng rộng rãi tại các xã NTM, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhờ vậy, nhiều xã nghèo giờ đã “thay da đổi thịt”.
Xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) là xã đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương chọn làm mô hình thí điểm xây dựng NTM. Sau nhiều năm thực hiện và được chuyển giao NNCNC, đến nay, nhiều hộ nông dân đã phát huy lợi thế khi ứng dụng hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng rau, trồng hoa lan; từ nuôi lợn sang nuôi bò, trăn, cá sấu...
Ông Nguyễn Văn Ngà, ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, cho biết: “Nhà tôi có 3.500 m2 đất sản xuất. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng lúa và hoa màu, hàng năm cho thu nhập thấp, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được tập huấn kỹ thuật trồng hoa lan Mokara cắt cành, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 3.000 m2 đất sang trồng loại hoa này. Sau gần 3 năm thực hiện chuyển đổi, đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện rất nhiều: từ hộ nghèo đã vươn lên hộ khá, với mức thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ có hộ ông Ngà, nhiều hộ nông dân khác cũng đã vươn lên nhờ được tiếp cận những mô hình mới. Hiện thu nhập bình quân của người dân Tân Thông Hội đạt 28,66 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,54 lần so với trước khi triển khai đề án. Đến nay, xã Tân Thông Hội không còn hộ nghèo, bộ mặt nông thôn nay thay đổi rõ rệt.
Từ kết quả khả quan của việc ứng dựng khoa học công nghệ vào nông nghiệp để hoàn thành sớm quá trình xây dựng NTM ở xã Tân Thông Hội, TP Hồ Chí Minh đã nhân rộng mô hình này ở 5 xã điểm là Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra 52 xã còn lại, phấn đấu đến năm 2015 cả 58 xã đều đạt tiêu chí NTM.
Bài và ảnh: Anh Đức - Hoàng Tuyết