Tiềm năng chưa được đáp ứng
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 276 cơ sở chế biến thủy sản, chiếm 47% cơ sở của cả nước; trong đó 270 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu hàng thủy sản vào EU, với 235 nhà máy có tổng công suất chế biến trên 1,2 triệu tấn/năm, chiếm gần 86% công suất chế biến thủy sản đông lạnh cả nước. Sản phẩm thủy sản của ĐBSCL đã được tiêu thụ ở 165 thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, giàu tiềm năng như: EU, Đông Âu, Mỹ, Canada, Braxin, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… với doanh số xuất khẩu hàng năm xấp xỉ 5 tỷ USD.
Chế biến cá ngừ đóng hộp tại Công ty KTC Food Kiên Giang. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Song song với xuất khẩu, thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa cũng được chú trọng phát triển. Nhiều mặt hàng thủy sản nội địa đã được chế biến hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã, bao bì không ngừng cải tiến được tiêu thụ tại những siêu thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số thành phố lớn và các chợ trên khắp cả nước.
Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản (XKTS) ở ĐBSCL còn giải quyết việc làm cho hàng triệu công nhân lao động, tạo động lực cho nghề khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phát triển, với giá trị sản xuất thủy sản chiếm hơn 35% trong giá trị sản xuất nông nghiệp và hơn 12% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trong vùng.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến XKTS của ĐBSCL còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng cá tra hiện chủ yếu là chế biến phile xuất khẩu, chiếm 90 - 98%; các mặt hàng tôm, mực và thủy hải sản khác, tỷ lệ sản xuất chế biến mặt hàng giá trị gia tăng chưa cao, chỉ khoảng 30 - 50% so với tổng sản lượng XKTS. Điều đó cho thấy chế biến XKTS của ĐBSCL đang ở trình độ thấp, phần lớn là chế biến thô, giá trị kinh tế không cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực như: Tôm sú sinh thái, cá tra, tôm, nghêu, sò huyết, cua biển… gắn với chỉ dẫn địa lý, xuất xứ nguồn gốc chưa được thực hiện hiệu quả.
Các hoạt động triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu nguồn đầu tư và nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tay nghề cao. Các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng hiện nay chỉ hoạt động khoảng 60 - 70% công suất thiết kế do nguồn nguyên liệu phụ thuộc mùa vụ, quy hoạch nhà máy chế biến chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Đây là những điểm hạn chế, yếu kém do chưa thực hiện liên kết giữa các tỉnh, các cụm vệ tinh, các chuỗi sản xuất sản phẩm thủy sản chủ lực trong vùng ĐBSCL.
Định hướng phát triển
Hiện các nhà máy chế biến thủy sản đang được phân bố theo vùng nguyên liệu tập trung, hình thành những cụm chế biến các sản phẩm thủy sản chủ lực như: Cụm chế biến thủy hải sản ở Kiên Giang, cụm chế biến tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; cụm chế biến các sản phẩm cá tra ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long; cụm chế biến nước mắm ở Phú Quốc (Kiên Giang).
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, Trưởng nhóm tư vấn Dự án khảo sát và đánh giá thí điểm các tỉnh trong việc hình thành các trung tâm phát triển thủy sản vùng ĐBSCL do Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, từ nay đến năm 2020, ĐBSCL cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến XKTS theo hướng quy hoạch hợp lý, bền vững và hiệu quả trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các tỉnh phát triển chuỗi sản xuất những ngành hàng thủy sản theo cụm vệ tinh quanh các trung tâm phát triển vùng. Cụ thể là xây dựng mạng lưới thông tin kết nối tất cả các tỉnh vệ tinh, cụm vệ tinh thông qua chuỗi sản xuất ngành hàng và cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin, chia sẻ lợi ích theo chuỗi giá trị.
Theo đó, các nội dung, dữ liệu, số liệu cần thiết về nguồn nguyên liệu, thị trường, giá cả, cơ chế, chính sách… được cập nhật thường xuyên, liên tục cho các tỉnh và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời để cùng chia sẻ, đề ra biện pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tỉnh vùng ĐBSCL liên kết, phối hợp trong công tác xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với từng đối tượng, sản phẩm thủy sản, trước mắt là con cá tra, tôm sú và một số đối tượng chủ lực khác theo từng cụm vệ tinh. Cùng với đó là liên kết trong quản lý chất lượng, từ khâu khai thác đánh bắt, nuôi trồng, chế biến đến người tiêu dùng.
Theo Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, cần hình thành Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL và Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ với vai trò nòng cốt là các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước các địa phương và đại diện nông dân tham gia. Hai trung tâm thủy sản này không những làm cầu nối liên kết các tỉnh vệ tinh, cụm vệ tinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu mà còn mời gọi, thu hút dự án FDI, vốn ODA trong lĩnh vực thủy sản cho ĐBSCL.
Đối với chế biến thủy sản, trên cơ sở rà soát quy hoạch theo vùng nguyên liệu tập trung và ổn định, đầu tư nhà máy hợp lý và hiện đại, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép đầu tư các nhà máy, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thừa công suất chế biến như hiện nay. Bên cạnh việc tập trung đầu tư chiều sâu công nghệ, thiết bị máy móc để tăng sản lượng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản ĐBSCL, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến.
ĐBSCL có kế hoạch đầu tư Trung tâm nghiên cứu thị trường và sàn giao dịch thông tin thủy sản (tại Cần Thơ) để hỗ trợ, kết nối các hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản của các tỉnh trong vùng với cả nước cũng như thị trường thủy sản quốc tế. Song song với đó là đầu tư Trung tâm triển lãm, xúc tiến thương mại thủy sản để hỗ trợ việc giao lưu, quảng bá thương hiệu thủy sản ĐBSCL, gắn kết các hoạt động thương mại thủy sản với các hoạt động sản xuất thủy sản và các hoạt động giao thương quốc tế.
Lê Huy Hải