“Phép thử” quan hệ Mỹ - Israel

Trong bối cảnh nhóm P5+1 và Iran đang tiến sát đến một thỏa thuận về hạt nhân, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên đường sang Washington nhằm ngăn cản thỏa thuận mà họ cho là đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Do Thái. Bài phát biểu hùng hồn của ông Netanyahu tại Quốc hội Mỹ về Iran đã đẩy bất đồng Mỹ - Israel lên đến đỉnh điểm, đặt quan hệ của hai đồng minh chiến lược này trước một phép thử lớn.

“Sứ mệnh lịch sử”

Bước sang năm 2015, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đẩy nhanh tốc độ đàm phán hạt nhân với Iran đã trở thành mấu chốt bất đồng giữa Mỹ với Israel.

Thủ tướng Israel phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông Netanyahu từ lâu phản đối mọi thỏa thuận với Iran trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Theo ông, thỏa thuận sắp tới không đủ để ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân - điều mà ông cho là sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực từ trước đến nay Israel là nước duy nhất có vũ khí hạt nhân. Trước khi lên máy bay đi Washington, ông Netanyahu cho biết chuyến đi này mang “một sứ mệnh lịch sử” và bản thân ông là “sứ giả của người Do Thái”. Ông tuyên bố sẽ làm mọi cách để đảm bảo tương lai và an toàn cho người dân Israel.

Tới Mỹ, việc đầu tiên Thủ tướng Netanyahu làm là đọc một bài phát biểu hùng hồn về vấn đề Iran trước 16.000 người tại Ủy ban các vấn đề chung Mỹ-Israel (AIPAC), trong đó bày tỏ lo ngại rằng nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân với Iran của Tổng thống Mỹ Obama đe dọa sự tồn vong của Israel. Tuy nhiên, sự kiện đáng chú ý nhất trong chuyến thăm lần này là việc ông có bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhằm thu hút lần chót sự ủng hộ để ngăn chặn một thỏa thuận quy mô quốc tế với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân mà nước này theo đuổi. Thủ tướng Netanyahu khẳng định "chúng ta sẽ tốt hơn" nếu không có thỏa thuận với Iran.

Theo ông, thỏa thuận dự kiến giữa Iran với nhóm P5+1 sẽ là "những nhượng bộ lớn" cho Iran khi cho phép nước này duy trì "hạ tầng hạt nhân quy mô lớn" và cho họ "có thời gian để chế tạo bom" nếu phương Tây dỡ bỏ các trừng phạt đối với Tehran trong một thập kỷ. Ông nhấn mạnh một thỏa thuận như vậy sẽ làm nguy hại đến sự tồn vong của Nhà nước Do Thái.

Thử thách quan hệ đồng minh

Bài diễn văn dài 50 phút mà ông Netanyahu đọc tại một phiên họp công khai và được truyền hình trực tiếp của Quốc hội Mỹ đã khiến quan hệ Washington - Tel Aviv rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Đôi bên cùng… có hại

Với Mỹ, Nhà Trắng cho rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, người của phe Cộng hòa, đã “vi phạm nghi thức ngoại giao” khi đơn phương mời lãnh đạo Israel đến phát biểu trước Quốc hội mà không tham vấn Chính phủ và thành viên hai đảng. Các lãnh đạo cơ quan hành pháp đã quyết định “tẩy chay” vị “khách mời” mà họ không mong muốn. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là “màn dạo đầu” trong một cuộc đối đầu được dự báo là sẽ gay gắt giữa một Quốc hội hoàn toàn do phe Cộng hòa kiểm soát với một Tổng thống thuộc phe Dân chủ trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Trong khi đó, tại Israel, sự nguội lạnh trong quan hệ Israel – Mỹ cũng khiến ông Netanyahu và đảng Likud cầm quyền đối mặt với sức ép lớn của cử tri trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 17/3 tới. Tranh luận công khai về vấn đề Iran, thay vì các vấn đề kinh tế xã hội, là nước cờ có thể giúp củng cố vị thế ông Netanyahu và đảng Likud, tuy nhiên, việc này như “con dao hai lưỡi” bởi ông Netanyahu đang “đánh cược” quan hệ song phương với cường quốc số 1 thế giới, chỉ vì lợi ích của một bài diễn văn tranh cử.

Trước khi ông Netanyahu phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng đã tỏ ý không hài lòng vì việc này không được tham vấn Tổng thống Obama. Bản thân Tổng thống và Ngoại trưởng John Kerry đã quyết định không gặp Thủ tướng Israel trong thời gian ông có mặt tại Washington. Họ đều có những lý do để từ chối khéo: Chính phủ Mỹ có “truyền thống” không gặp lãnh đạo các chính quyền khi gần đến bầu cử (Israel sẽ tổ chức bầu cử vào giữa tháng Ba tới); còn Ngoại trưởng không thể tiếp vì ông đã lên đường đến Thụy Sĩ để bước vào vòng đàm phán tiếp theo của nhóm P5+1 với Iran. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc không lên lịch cho các cuộc gặp với Thủ tướng Israel chính là cách để chính quyền Obama thể hiện quan điểm cứng rắn với Israel và quyết tâm đạt đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Không chỉ ông Obama, nhiều quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng cũng chỉ trích chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice coi việc Thủ tướng Israel đọc diễn văn trước Quốc hội là hành động đưa tính đảng phái vào mối quan hệ Mỹ - Israel. Bà cảnh báo việc làm này có thể gây tổn hại mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước. Có tới 60 trong tổng số 232 nhà lập pháp của đảng Dân chủ, tại cả Thượng và Hạ viện, và cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đến nghe bài diễn văn của ông Netanyahu. Theo một cuộc thăm dò của kênh NBC News và tờ "Wall Street Journal", gần 50% người Mỹ cũng không chào đón bài diễn văn gây tranh cãi này.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ - Israel tranh cãi về chính sách đối với Iran. Báo Al-Jarida của Kuwait hồi cuối tuần trước tiết lộ, năm 2014, Tổng thống Obama từng đe dọa bắn hạ các máy bay chiến đấu của Israel sau khi biết thông tin Tel Aviv quyết định tấn công Iran. Ngay sau đó, ông Netanyahu buộc phải hủy kế hoạch này dù các phi công đã sẵn sàng ra trận sau nhiều tuần huấn luyện.

Trong một nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa hai bên liên quan đến bài diễn văn, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington không muốn biến sự việc thành “một trận đấu chính trị”. Về phần mình, phát biểu với báo giới trước khi lên đường, ông Netanyahu cũng khẳng định ông đến Mỹ không phải để tìm kiếm sự đối đầu mạnh hơn với Tổng thống Obama. Trong bài phát biểu trước AIPAC, Thủ tướng Israel không quên nhấn mạnh rằng mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Israel và Mỹ đang “bền chặt hơn bao giờ hết” và sẽ tiếp tục phát triển, bất chấp những bất đồng xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Và trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông đã cố gắng giảm nhẹ căng thẳng chính trị bằng cách bắt đầu với việc ca ngợi sự giúp đỡ mà Tổng thống Obama đã làm cho Israel, và khẳng định “sẽ luôn biết ơn Tổng thống Obama vì sự trợ giúp này”. Ông cũng nói lời cảm ơn nước Mỹ vì tất cả những gì họ đã làm cho Israel.

Rõ ràng là kịch bản mà Chủ tịch Quốc hội Mỹ và Thủ tướng Israel dàn dựng không đem lại lợi ích gì cho hai nước, khi mà Mỹ và Israel cần “đi cùng một nhịp” để giải quyết chuyện Iran, cũng như đối phó hiểm họa do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra và đảm bảo ổn định cho toàn vùng Trung Ðông. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng sẽ không gì lay chuyển được quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Israel, và Mỹ sẽ cân nhắc tùy từng thời điểm để ưu tiên cho việc nào hơn.

Bạch Dương
Biểu tình phản đối Thủ tướng Israel
Biểu tình phản đối Thủ tướng Israel

Hàng chục nghìn người Israel đã tiến hành mít tinh nhằm kêu gọi thay đổi chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN