Khi những cánh hoa đào, hoa
mai hé nở báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc đồng bào các dân tộc ở Hòa
Bình đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán cung của cộng đồng các
dân tộc việt Nam.
Như các dân tộc anh em khác, đối với người Tày ở huyện
vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình), Tết Nguyên Đán là lễ Tết quan trọng nhất
trong năm. Mặc dù, giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc
văn hóa và hồn cốt dân tộc của đồng bào Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn
cho đến ngày nay.
Ăn Tết cơm mới của người Tày ở Đà Bắc
Người Tày Đà Bắc bắt đầu đón Tết từ 28 tháng Chạp âm lịch, đến mồng 7/1 xuống đồng cày cấy hình thức một lúc rồi về (hay còn gọi là Khai hạ); sau đó đến 15/1, họ lại làm bánh, thịt gà, thịt vịt... như đầu năm mới (giống như ăn Rằm tháng Giêng của người Kinh), người Tày gọi là “ăn Tết lại” và kéo dài đến hết tháng.
Để đón Tết, cả gia đình người Tày cùng tập trung quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm của người Tày, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm gặp nhiều may mắn. Khi nhà cửa được dọn dẹp xong họ bắt đầu thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, đồ xôi, làm bánh…. Mọi công việc đều được làm nhanh chóng để phục vụ cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết.
Người Tày thường múa xòe vào những ngày Lễ, Tết, Hội...
Tết của người Tày, công việc quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng theo từng mâm nhỏ. Bàn thờ tổ tiên (bậc cao nhất) được treo ở góc tường thẳng cửa voóng chính, còn 3 mâm thờ nhỏ hơn đặt dưới ban thờ tổ tiên (là bậc thấp hơn). Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công; đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong mấy ngày Tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình.
Nếu gia đình nào có cha mẹ mới mất thì phải làm thêm một mâm thứ 4. Trên mâm cúng đều được đặt bằng lá chuối gồm có rượu, xôi trắng đồ trứng kiến gói lá dong, thịt lợn, thịt gà và cá suối đồ nõn chuối; ngoài ra, còn có món bánh đặc trưng không thể thiếu trong mâm cỗ cúng là bánh trưng và bánh gio (còn gọi là bánh chì).
Người Tày không gói bánh trưng vuông mà chỉ gói bánh tròn và bánh dài (bánh ống và bánh tép), nhân bánh trưng ngoài đỗ xanh, thịt lợn băm nhỏ, hạt tiêu còn có hành lá, rau thì là. Bánh gio là loại bánh được làm từ lá và hoa của một loại cây mọc trên rừng có mùi thơm ngậy tựa như lá cây vừng (người Tày gọi là cây vừng nhà). Hoa và lá cây “vừng nhà” được đem phơi khô cùng với rơm gạo nếp (đã tuốt bỏ hạt) rồi đốt thành gio.
Khi gạo nếp nương (ngâm khoảng 8-10 tiếng) được vớt ra rá cho ráo nước, rồi đem gio và gạo chộn với nhau, sau đó lấy lá dong để gói, gói như bánh trưng tép dài khoảng 20-30cm, nhân bánh chì có thịt lợn băm nhỏ, hành lá và rau thì là. Khi luộc chín, bánh có màu nâu đen, người Tày gọi đó là bánh gio hoặc chì. Đây còn là quà để chúc Tết và mừng tuổi khi trẻ đến chơi nhà. Sau khi mâm cỗ cúng được chuẩn bị xong, thầy mo đến làm lễ cúng. Ngoài ra, tất cả những công cụ lao động như: dao, rựa, cày, bừa, cuốc, thuổng… cũng được xếp vào một nơi rồi thắp hương; theo đồng bào nơi đây, những vật dụng đó đã gắn bó và theo họ suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón Tết.
Ông Xa Văn Đăng 80 tuổi, xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng có thâm niên hơn 40 năm đo mo cho biết: Các mâm thờ của gia chủ, tôi đều cúng tổ tiên và theo phong tục thì mỗi mâm cúng một bậc nên mỗi bài cúng cũng đều khác nhau. Nhưng tất cả đều thể hiện mong ước của con cháu, hy vọng ông bà, tổ tiên sẽ phù họ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, may mắn…
Vào đêm giao thừa, mọi sự thăm thú được kết thúc bắt đầu từ 23h. Lúc này mọi nhà đều đóng chặt cửa, cổng không cho bất cứ người nhà, hay người lạ ra, vào. Vì người Tày kiêng kỵ nhất sáng mồng 1, không ai được đến nhà nhau; họ quan niệm nếu người có tang ma đến nhà sẽ mang lại nhiều tai ương, vận hạn cho gia đình. Vì vậy, họ chọn người xông nhà phải là người có đạo đức, uy tín và phúc lớn trong bản nhưng đến chiều mồng 1 Tết thì mọi người có thể đi chơi nhà nhau bình thường. Theo phong tục của người Tày là rạng sáng mồng 1 Tết (4- 5giờ) cả nhà cùng nhau ra suối để rửa mặt, chân, tay và nhặt 12 viên đá cuội nhỏ (tượng trưng cho 12 con giáp) mang về nhà tung vào gầm sàn hoặc giữa nhà, với ý nghĩa cầu may cho gia đình cả năm mùa màng bội thu và nuôi được nhiều trâu, bò, lợn, gà hơn.
Phong tục đón Tết truyền thống của người Tày Đà Bắc không những là nét văn hóa đặc trưng mà còn là dịp để người dân đoàn tụ, xum vầy cùng dòng họ, gia đình, để các thế hệ đi trước truyền lại những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình…và cùng nhau quây quần bên mâm cơm ngày Tết, thưởng thức những món ăn đặc biệt hơn ngày thường, cùng nâng chén chúc nhau những lời chúc tốt lành đầu năm. Tết đến, xuân sang cũng là dịp để họ được nghỉ ngơi, diện những bộ quần áo đẹp nhất cùng chơi những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng như tung còn, múa xòe và trao cho nhau những điệu hát Sli, hát lượn thật hay và tình tứ….
Trong không khí ngập tràn sắc xuân, những cái nắm tay thật chặt trong điệu xòe cùng với tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Tày Đà Bắc. Tất cả như muốn gửi gắm những điều tốt đẹp trong năm mới.
Vũ Hà