Phụ nữ làm báo: Cuộc dấn thân đầy hi sinh

Nghề báo vẫn là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Phụ nữ làm báo càng phải chịu nhiều hi sinh hơn, không chỉ đơn giản là những thiệt thòi trên con đường thăng tiến, mà có khi để có được một bản tin nóng nơi chiến trường, họ đã phải đổ máu.

 

“Bông hoa” giữa rừng đồng nghiệp nam.

 

Theo công bố của Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF), nghề báo vẫn là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Đây cũng là kết luận của Tổ chức CareerCast (Mỹ) trong một công trình nghiên cứu về những nghề nguy hiểm trên toàn cầu. Thống kê của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo quốc tế (CPJ) cho thấy, trong khoảng 20 năm qua đã có hơn 1.000 nhà báo trên thế giới bị giết hại, trong đó phần lớn là các phóng viên chiến trường. Chỉ tính riêng trong năm 2012, theo RSF, đã có hơn 135 người làm việc trong lĩnh vực báo chí bị thiệt mạng mà nguyên nhân chủ yếu là do cuộc chiến tại Xyri, bất ổn ở Xômali và bạo lực mà Taliban gây ra trên đất nước Pakixtan. Ngoài ra, sau những bài phóng sự phanh phui tội ác, nhiều nhà báo còn trở thành mục tiêu săn lùng, đặt hàng thành toán của các tổ chức maphia, băng nhóm buôn bán vũ khí, ma túy...


“Sinh nghề tử nghiệp”, câu ngạn ngữ ấy đã đúng với hàng loạt nhà báo nổi tiếng như Vlad Listev, Giám đốc kênh truyền hình ORT TV (Nga), Ahmeb Khaled Shehadeh, Tổng Biên tập tờ Enab Baladi (Xyri); phóng viên ảnh Tim Hetherington của tạp chí Vanity Fair (Anh) và đồng nghiệp người Mỹ Chris Hondros làm việc cho Getty Images... Gần đây là sự hi sinh của phóng viên Mika Yamamoto của hãng thông tấn Japan Press (Nhật Bản), phóng viên Marie Colvin của tờ The Sunday Times (Anh) và phóng viên Abbas Yar của Đài Truyền hình Quốc gia Al Ikhbariyah (Xyri). Điều đáng nói là họ đều là các nữ nhà báo và đều hi sinh tại Xyri khi đưa tin về tình hình chiến sự ở đây.


Giống như các đồng nghiệp nam, các nhà báo nữ biết rất rõ những nguy hiểm của công việc mình đang theo đuổi, nhưng vẫn dấn thân. Tại sao vậy? Theo nữ nhà báo Mae Azango, đó là bởi “báo chí là người giám sát và khi thấy bất công xảy ra trước mắt, bổn phận của một nhà báo đúng nghĩa là phải lên tiếng”. Khi đang thực hiện dở dang phóng sự vạch trần nghi lễ cắt âm vật phụ nữ được hội kín Sande thực hiện tại Libêria làm rúng động dư luận quốc tế, Azango đã được cảnh báo về khả năng bị bắt cóc, bị tra tấn, bị giết và giấu xác ở đồng cỏ, nhưng bà vẫn quyết tâm trở lại ngôi làng Todee để hoàn tất loạt bài 3 kỳ về vấn đề nêu trên. Điều Azango đã làm và đang làm đã giúp cho tờ Font Page Africa trở thành một trong những tờ báo bán chạy nhất Libêria với lượng độc giả rất lớn. Ít ai biết rằng để có những loạt bài gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn, có lúc Azango phải đi trốn chui trốn lủi và sống như du mục, nhưng bà vẫn không hề sợ hãi và quyết định tiếp tục sự nghiệp bảo vệ lẽ phải bằng hình ảnh, con chữ và những đoạn video.


Sự dấn thân vì nghề nghiệp của các nữ nhà báo là rất đáng trân trọng vì khi trở về với cuộc sống, họ còn phải gánh trên vai trách nhiệm của người con đối với cha mẹ, người vợ đối với chồng, người mẹ đối với con cái. Sự bất bình đẳng trong gia đình có thể được giảm bớt với sự cảm thông và chia sẻ. Nhưng ở khía cạnh xã hội, cần phải có những đột phá. Kết quả một cuộc điều tra mới đây với 522 hãng truyền thông thuộc 60 quốc gia trên thế giới do Quỹ Truyền thông nữ quốc tế (IWMF) tiến hành cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 33,3% lực lượng lao động toàn thời gian trong lĩnh vực báo chí. Ở các chức vụ quản lý hàng đầu, sự hiện diện của các nhà báo nữ càng trở nên hiếm hoi, chỉ chiếm 27% so với 73% của nam giới. Những rào cản vô hình đối với sự thăng tiến của các nữ nhà báo dễ phát hiện nhất ở tầng nấc quản lý trung cấp và cao cấp. Ví dụ: Ở khu vực châu Á và châu Đại Dương, tỉ lệ quản lý cấp cao trong làng báo là nữ chỉ chiếm 13%.


Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có những điểm sáng về phụ nữ “đục trần kính” trong lĩnh vực báo chí. Tại Nam Phi, 79,5% quản lý cấp cao ngành báo là phụ nữ. Tại Lithuania, phụ nữ cũng giành vị trí “thống trị” trong lĩnh vực báo chí khi chiếm tới 78,5% ở các chức vụ chuyên môn sơ cấp và 70,6% ở các chức vụ chuyên môn cao cấp. Dẫu vậy, để có được sự bình đẳng với các đồng nghiệp nam vẫn cần phải có thêm nhiều nỗ lực nhằm rút ngắn và xóa nhòa khoảng cách giữa các nữ nhà báo và nam nhà báo trong tuyển dụng, lương thưởng, điều kiện làm việc, quy hoạch và đề bạt, bổ nhiệm. Hi vọng đó càng gần với hiện thực hơn khi nữ nhà báo được các đồng nghiệp nam lên tiếng ủng hộ, sẻ chia.


Bài và ảnh: Hà Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN