Quá tải bệnh viện: Không tin tuyến dưới, dồn lên tuyến trên

"Hơn 30% bệnh nhân vượt tuyến để khám và điều trị khiến cho các bệnh viện tuyến trên ở phía Nam trở nên quá tải hơn các bệnh viện phía Bắc. Vấn đề ở chỗ người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá như vậy trong chuyến khảo sát ngày 7/7 tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.


Bệnh nhân chưa tin tuyến cơ sở


Tại bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng quá tải diễn ra rất trầm trọng bệnh nhân chen chúc nhau chờ đến lượt khám. Cũng như bao bệnh nhân khác đoàn khảo sát của Bộ Y tế cũng phải khá vất vả, chen lấn để đi từ khu lấy số đến nơi chờ khám bệnh trên lầu 1.


Bà Ban Thị Mừa, ngụ ở Tây Ninh cho biết: Tôi bị đau đầu nhưng uống thuốc nhiều không hết nên đi thẳng lên bệnh viện Chợ Rẫy để khám luôn. Tôi không dám tới khám tại các bệnh viện tuyến dưới vì sợ khám không ra bệnh. Mất công khám bệnh thì lên thẳng bệnh viện tuyến trên khám luôn cho yên tâm. Để lên đây khám bệnh tôi đã phải đi từ 4 giờ sáng nhưng tới giờ vẫn chưa tới lượt khám, bệnh viện này đông quá.


Tương tự, một bệnh nhận ngụ huyện Hóc Môn đi khám viêm tiền liệt tuyến tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Cứ lên bệnh viện ở trên khám cho chắc ăn. Ở bệnh viện huyện cũng sợ, không biết họ làm được không?”.


Còn tại bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân cũng than phiền vì phải chờ đợi lâu. Nhiều bệnh nhân được khám bệnh từ sáng nhưng phải chờ đến chiều mới đến lượt siêu âm, CT... Bệnh nhân hoàn tất quy trình khám bệnh ít nhất cũng mất một ngày. Trong đó, khâu chờ đợi lấy thuốc BHYT cũng phải mất rất nhiều thời gian.


Chị Nguyễn Kim Loan, ngụ tỉnh Long An kể: “Tôi bị suy yếu tĩnh mạch nên phải tới đây khám bệnh. Sáng nay đi khám từ sáng sớm nhưng giờ vẫn chưa được về. Khám đã phải đợi lâu, lãnh thuốc lại phải đợi tiếp”. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân cho biết, phải lên tuyến trên điều trị vì cùng một loại bệnh nhưng ở tuyến dưới bác sỹ chỉ cấp cho một vài loại thuốc bảo hiểm y tế đơn giản, trong khi đó lên tuyến trên thì bảo hiểm y tế thanh toán cho nhiều loại thuốc hơn.


Theo bác sỹ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù đã tăng số phòng khám và số bàn khám bệnh nhưng vẫn không đáp ứng được số lượng bệnh nhân đến khám quá cao. Trung bình mỗi bệnh nhân đến khám vẫn phải chờ hơn 3,5 giờ. Đó chỉ là riêng khâu khám bệnh ban đầu, chưa tính đến các khâu khác như: xét nghiệm, siêu âm, CT...


Thống kê của các bệnh viện cho thấy, có khoảng hơn 70% số bệnh nhân khám và điều trị từ các địa phương ngoài TP Hồ Chí Minh. Không ít trường hợp từ các tỉnh chỉ mắc bệnh thông thường, bệnh nhẹ cũng về TP khám và điều trị.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, tình trạng quá tải ở tuyến trên là do bệnh nhân việt tuyến khám các bệnh thông thường


Sau khi khảo sát và nghe báo cáo của lãnh đạo các bệnh viện về công tác giảm tải, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tình trạng quá tải ở bệnh viện phía Nam căng thẳng hơn ở phía Bắc. Lượng bệnh nhân tự vượt tuyến lên tuyến trên điều trị khá lớn, chiếm khoảng 30%. Vấn đề ở chỗ người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới.


Cần làm tốt công tác phân tuyến điều trị


Bên cạnh đó, các bệnh nhân phản ánh, cùng một bệnh nhưng ở tuyến dưới cho thuốc không giống bệnh viện tuyến trên. "Lên tuyến trên khám chúng tôi được hưởng thuốc tốt hơn, tội gì lại khám ở địa phương. Nếu thuốc ở đâu cũng như nhau và bác sỹ giỏi như nhau chúng tôi sẽ không vượt tuyến nữa", một bệnh nhân nam ở Đắc Lắc cho biết.


Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng: “Không nên hạn chế loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cho tuyến dưới, cùng một loại bệnh thì chỉ nên có một phác đồ điều trị giống nhau, thống nhất ở các tuyến".


Cùng với tình trạng vượt tuyến thì các thủ tục rườm rà về BHYT cũng góp phần làm cho bệnh viện thêm quá tải.


Cùng với tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, các thủ tục hành chính rườm rà cũng khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn nêu lên thực trạng, khi bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới lên phải phô - tô quá nhiều giấy chuyển viện và thẻ bảo hiểm y tế. Bởi lẽ, khi bệnh viện quyết toán với cơ quan bảo hiểm y tế, hồ sơ bệnh nhân phải có đủ những giấy tờ này mới được thanh toán.


Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để giảm tải cho các bệnh viên tuyến trên về lâu dài phải mở rộng, xây mới các cơ sở y tế. Trước mắt phải cương quyết làm tốt công tác phân tuyến điều trị. Do đó, trong thời gian tới bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, Bộ Y tế chủ trương đưa thương hiệu tuyến trên về tuyến dưới bằng cách cử bác sỹ tuyến trên luân phiên thường xuyên ở các phòng khám của bệnh viện tuyến dưới. Bên cạnh đó, việc phân bổ thuốc bảo hiểm y tế sẽ không phân biệt bệnh viện tuyến trên có danh mục thuốc nhiều hơn tuyến dưới như hiện nay. Cùng một loại bệnh, tất cả các bệnh viện có phác đồ điều trị và danh mục thuốc giống nhau. Về cải cách hành chính, giữa bảo hiểm xã hội và bệnh viện phải có sự tin tưởng lẫn nhau, không bắt bệnh nhân phải phô-tô nhiều loại giấy tờ mất thời gian chờ đợi.


Đan Phương

Tạo “đòn bẩy” cho bệnh viện tuyến dưới
Tạo “đòn bẩy” cho bệnh viện tuyến dưới

“Bệnh viện sạch sẽ, mới và khang trang, nhân viên hướng dẫn tận tình nên tôi làm thủ tục đăng ký cũng rất nhanh. Đặc biệt, bác sỹ khám bệnh rất tận tình và tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân. Đây là sự rất khác so với trước đây...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN