Quân đội Ukraine siết chặt Slavyansk

Lực lượng người biểu tình ở Slavyansk, một điểm nóng tại miền đông Ukraine, ngày càng chịu nhiều áp lực khi chính quyền Kiev cho quân tiến sâu hơn vào thành phố này và điều thêm binh sĩ siết chặt vòng vây. Trong khi đó, các nước nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ngoại giao cuối cùng để cứu vãn tình hình trước khi quá muộn.

 

Quân đội Ukraine lập chốt chặn trên tuyến đường nối giữa Kramatorsk và Slavyansk ngày 6/5. Ảnh: RIA Novosti

t


Hãng Itar-Tass dẫn lời ông Vasily Kiselyov, điều phối viên lực lượng tự vệ của vùng Donbass ở miền đông Ukraine, cho biết: Số binh sĩ Ukraine tham gia vào chiến dịch trấn áp người biểu tình ở khu vực Donetsk là 30.000 người, trong đó có cả Vệ binh quốc gia. Ông Vasily cho biết chính quyền Ukraine giờ đã bắt đầu đưa cả lính nghĩa vụ tham chiến ở miền đông.


Ngoài một lượng binh sĩ hùng hậu, chính quyền Ukraine còn triển khai cả xe thiết giáp và vũ khí hạng nặng đến Slavyansk. Đặc biệt, các trung đoàn pháo binh đã sẵn sàng ở vị trí gần thành phố. Hai đoàn xe, một từ Izyum thuộc khu vực Kharkov và một từ Dobropolye thuộc khu vực Donetsk, đang tiến tới Slavyansk.


Đồng Chủ tịch nước CHND Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin, cho rằng sân bay thành phố Donetsk bị Ukraine đóng cửa vào buổi sáng ngày 6/5 có thể được quân đội sử dụng để vận chuyển vũ khí bất hợp pháp tới miền đông.


Tại khu vực tây nam, chính quyền Ukraine cũng tìm cách củng cố lại quyền kiểm soát xung quanh thành phố Odessa và đã chỉ định một thị trưởng mới hôm 6/5. Chính quyền Ukraine đã đưa một đơn vị vệ binh tinh nhuệ đến Odessa để tuần tra các đường phố.


Ngoài ra, lực lượng Ukraine đã giành lại được tòa thị chính ở thành phố cảng Mariupol gần biên giới với Nga. Cờ Nga cắm trên nóc tòa thị chính đã bị hạ xuống.


Trong khi đó, các nước phương Tây ngày 7/5 nỗ lực lần cuối cho một giải pháp ngoại giao để ngăn Ukraine trượt vào một cuộc nội chiến. Sau khi Nga bác bỏ đề xuất tổ chức một hội nghị hòa bình Geneva lần thứ hai để giải quyết tình hình Ukraine, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), ông Didier Burkhalter, đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva nhằm tìm ra lối thoát cho Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về việc tổ chức các cuộc đối thoại ở Ukraine dưới sự bảo trợ của OSCE trước cuộc bầu cử tổng thống Ukraine ngày 25/5.


Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị các lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở Đông Nam Ukraine hoãn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tuần này, nhằm tuyên bố về một nền tự trị lớn hơn hoặc hoàn toàn độc lập khỏi chính quyền Kiev. Ông Putin nói: “Chúng tôi đề nghị các đại diện của khu vực Đông Nam (Ukraine) hoãn tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến vào ngày 11/5 tới, để tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đối thoại”.


Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc châu Âu phớt lờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Ukraine và yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện về cái chết của hàng chục người biểu tình tại Odessa tuần trước. Ông Lavrov cho rằng những gì xảy ra ở Odessa chắc chắn là hành động của chủ nghĩa phát xít.

Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, tướng Philip Breedlove, cho biết NATO sẽ phải tính đến chuyện cho binh sĩ đồn trú lâu dài tại nhiều khu vực Đông Âu sau khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Ông Breedlove tuyên bố NATO cần tăng cường khả năng phản ứng nhanh, đặt các lực lượng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để đối phó với những tình huống bất ngờ mới.


Thùy Dương

Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine
Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva đã rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực biên giới với Ukraine đồng thời kêu gọi chính quyền Kiev nhanh chóng chấm dứt tất cả các chiến dịch "trừng phạt" và quân sự tại miền Đông-Nam Ukraine...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN