Quảng Trị: Hồ Ê Nót suốt đời là “công bộc” của dân

Đến bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hỏi ai cũng biết chàng trai tuổi Hồ Ê Nót người dân tộc Vân Kiều; mặc dù không sở hữu thân hình vạm vỡ, khỏe khoắn như bao trai bản khác, cũng không có kinh nghiệm sống qua sáu, bảy chục mùa nương rẫy như các già làng… nhưng Hồ Ê Nót lại được ví là đầu tàu của bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.


 

Hồ Ê Nót báo cáo điển hình tại buổi tuyên dương.

 

Bản Cu Pua của Hồ Ê Nót nằm bên tuyến quốc lộ 9 kéo thẳng lên tận biên giới với nước bạn Lào, một bên là dòng sông Đakrông hùng vĩ đang cuồn cuộn chảy…

 

Bản trước thì nghèo, nay không nghèo mấy, Nót bảo vậy. Với 57 hộ, 277 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Trong đó, có 42 hộ dân theo Đạo Tin Lành và Đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, dân bản sống từ đời này qua đời khác một cách yên bình. Nót năm nay đã tuổi nhưng chỉ học đến lớp 6, Nót nói dạo trước làm gì có gạo mà đi học. Nhưng may mắn là dù học ít nhưng vốn thông minh, Nót đã biết mặt hết các con chữ, con số, đọc viết vanh vách. Chỉ nhờ vậy thôi mà Nót đã phụ trách nhiều công việc như: Chủ tịch hội phụ nữ bản Cu Pua, cán bộ phụ trách y tế thôn bản, cộng tác viên cho tổ chức Plan, trưởng thôn…Thậm chí còn có một vài việc đột xuất Nót cũng làm hết. Hỏi Nót sao đàn ông mà đi phụ trách chị em, anh chỉ ngượng ngùng nói rằng: “Việc chi có lợi và giúp được dân bản thì mình nhận hết. Cũng giống nhau mà với lại chưa có Hội đàn ông con trai nên phải làm Hội phụ nữ là đúng rồi…”. Nót siêng lắm, việc gì không làm thì thôi chứ đã bắt tay vào là làm tới cùng, làm quyết liệt. Dân bản Cu Pua vẫn còn chưa hết cười khi nhớ lại cảnh Nót đi đến từng nhà, thủ thỉ với từng chị em, phát cho họ từng viên thuốc tránh thai… Hay có hôm, một mình Nót dẫn theo cả đoàn mấy chục phụ nữ đi lên xã tập huấn học nghề...


Một ngày đối với Nót thật dài, bởi anh phải lần lượt làm các công việc phù hợp với từng chức danh. Lúc thì lục đục đánh vật với đống hồ sơ chứng nhận hộ nghèo, lúc thì đứng ra làm chủ lễ cho đám cưới hay đi giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân trong thôn; vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 và trực tiếp vận động, giáo dục tiến bộ một số đối tượng hay quậy phá, gây rối… Nót cho biết, ngày nào mình cũng xoay như con mòng mòng. Việc mô cũng phải mần vì đã nhận trách nhiệm rồi, không làm thì phụ sự tín nhiệm của bà con. Nót nghĩ mình giúp gì được cho bà con mà dân bản vui thì Nót cũng vui. Những việc làm của Nót có lẽ là tâm niệm đi theo suốt đời làm “công bộc” cho dân bản Cu Pua. Cái gì biết thì Nót làm ngay, cái gì chưa biết thì lại lên gặp cán bộ xã để hỏi cho bằng được. Dân bản quý Nót nên anh bảo gì họ cũng nghe theo, làm theo… Hàng ngày, bà con vào ra nhà Nót cứ như thể là nhà sinh hoạt cộng đồng hay là hội trường của thôn. Ngay từ những đứa trẻ sinh ra ở bản Cu Pua đã phải mang ơn của Nót bởi chính Nót đặt tên cho chúng rồi viết luôn cả cái giấy khai sinh vì cha mẹ chúng nào có biết chữ. Mới đây, Hồ Ê Nót còn hiến 600 mét vuông đất để xây dựng trường tiểu học trong thôn...


Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đakrông không tiếc lời ngợi khen rằng: Không thể phủ nhận công lao của Hồ Ê Nót đối với bản Cu Pua. Dân bản tuy không giàu có gì nhưng đời sống vẫn đang được đổi thay từng ngày. Địa bàn xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, không mấy cán bộ cơ sở biết việc như Nót.
Nhờ có Hồ Ê Nót, hiện nay tình hình an ninh trật tự ở thôn Cu Pua ổn định, các hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tuân thủ các quy định của Nhà nước. . Mối quan hệ giữa bà con lương và giáo thân mật, không có các mâu thuẫn xảy ra. Từ những việc làm thường ngày của Hồ Ê Nót, mới đây Hồ Ê Nót đã được báo cáo điển hình tại buổi tuyên dương già làng, trưởng bản, người có uy tin trong đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong 5 năm 2008-2012.


Bài và ảnh: Trần Tĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN