Quốc hội Libya bác danh sách nội các

Ngày 17/9, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã bác danh sách nội các do Thủ tướng Abdullah al-Thani đệ trình, đồng thời yêu cầu ông này đề xuất danh sách "chính phủ khủng hoảng" mới với thành phần rút gọn trong vòng 3 ngày tới.

Thủ tướng Abdullah al-Thani đệ trình nội các mới nhưng đã bị Quốc hội nước này bác bỏ. Ảnh: The Times


Nghị sỹ Saleh Fhaima cho biết trong trường hợp danh sách nội các mới vẫn không được phê chuẩn, Quốc hội Libya sẽ chỉ định một thủ tướng khác.

Nội các mới được Thủ tướng al-Thani đệ trình ngày 17/9 gồm 16 thành viên, trong đó ông al-Thani kiêm chức Bộ trưởng Quốc phòng như trước đây, nhà hoạt động nhân quyền Farida Allaghi được đề cử giữ chức Ngoại trưởng, trong khi cựu Bộ trưởng Nội vụ Ashour Shuail được tái bổ nhiệm kiêm chức Phó Thủ tướng thứ nhất. Không có nhân vật nào được đề xuất giữ chức Bộ trưởng dầu mỏ, đồng nghĩa với việc lĩnh vực quản lý này sẽ được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC).

Về phần mình, Quốc hội Libya lại muốn thành phần Chính phủ mới không vượt quá 10 thành viên, gồm một Phó thủ tướng và 9 người đứng đầu các bộ Nội vụ; Ngoại giao; Quốc phòng; Chính quyền địa phương; Y tế; Giáo dục; Năng lượng; Kinh tế, Quy hoạch-Tài chính và Công chính.

Trong đó, Bộ Công chính sẽ phụ trách các lĩnh vực nhà ở, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên nước, lao động và xã hội. Theo một nghị sĩ, trong bối cảnh hiện nay, Libya không cần các Bộ trưởng Nông nghiệp, Du lịch và Công nghiệp.

Các nghị sĩ Libya cũng muốn "chính phủ khủng hoảng" quy tụ các "gương mặt mới". Ngoài ra, họ cũng yêu cầu các thành viên nội các, trong đó có cả Thủ tướng, không được kiêm nhiệm hai chức vụ.

Trong trường hợp Thủ tướng al-Thani vẫn khăng khăng muốn giữ nguyên các thành viên trong danh sách nội các đề xuất, họ sẽ chỉ định một nhân vật khác đứng ra thành lập chính phủ. Những yêu cầu này của Quốc hội Libya được cho là làm gia tăng thêm sức ép đối với ông al-Thani, trong bối cảnh các bộ tộc và các thị trấn cũng đang đòi có đại diện của mình trong nội các mới.

Libya đã chìm trong bất ổn kể từ cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011. Hiện quốc gia giàu dầu mỏ này đang phải chứng kiến tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc khi tồn tại đồng thời 2 quốc hội và 2 thủ tướng trong hai tháng vừa qua.


TN
(Theo AFP)
Chính phủ tạm quyền Libya từ chức
Chính phủ tạm quyền Libya từ chức

Ngày 28/8, Thủ tướng tạm quyền Libya Abdullah al-Thinni cùng toàn bộ Nội các đã tuyên bố từ chức, để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 6 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN