Ngày 28/5, Quốc hội đã thảo luận về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Trách nhiệm người đứng đầu về PCCC
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Sau gần 12 năm triển khai thực hiện, Luật PCCC hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) chủ trì phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Viết Tôn |
Về trách nhiệm của cán bộ làm công tác PCCC, đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) cho rằng chế tài nghiêm cấm những người là cán bộ quản lý nhà nước, người trực tiếp làm công tác PCCC không được kinh doanh những công cụ PCCC là chưa khả thi. Bởi với những người kinh doanh công cụ PCCC thì họ đâu có đứng tên, trong khi nếu cấm luôn người thân của họ kinh doanh công cụ PCCC cũng khó. Thực tế là có thể người nhà là vợ, em vợ, bố mẹ họ kinh doanh thì sao?
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC. Trong trường hợp do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm bồi hoàn chi phí chữa cháy; nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến chế độ đối đội viên đội dân phòng trong công tác PCCC, một số đại biểu cho rằng việc có chế độ chính sách hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng là cần thiết, nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tham gia PCCC ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Khuyến khích mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng chỉ có sửa đổi, bổ sung quy định này mới tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc sửa đổi này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần phải xem xét cụ thể đối với từng doanh nghiệp; không nên tạo thuận lợi cào bằng giữa các doanh nghiệp, mà phải ưu tiên những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả trước. Đối với những doanh nghiệp hoạt động không đạt hiệu quả, cần phải xem xét cẩn thận và cân nhắc kỹ càng.
Theo dự thảo, khoản 2, Điều 170 được điều chỉnh theo hướng sau, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau: Đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Hoặc không đăng ký lại, trong trường hợp này, doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp và các quy định khác của luật này, pháp luật có liên quan. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại giấy phép đầu tư, doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 chương, 77 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật; hệ thống cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật...
Nhất trí về sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành luật còn nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết và có kế thừa thực tiễn trên 20 năm thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng dự án vẫn còn có nhiều điều, khoản quy định chung chung.
Trên cơ sở tán thành với đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật là thực vật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng để cách hiểu được thống nhất, Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm “thực vật” và khái niệm “tài nguyên thực vật”; đồng thời bổ sung giải thích khái niệm “thực vật” vào Điều 3 về giải thích từ ngữ.
Bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của Luật Thuế giá trị gia tăng
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đại biểu lo ngại việc giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên. Đại biểu Trần Văn Huynh đề nghị cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn.
Về đối tượng không chịu thuế, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng số lượng 25 nhóm đối tượng miễn thuế giá trị gia tăng như dự án Luật còn nhiều, chưa phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Đại biểu dẫn chứng theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, một trong những nội dung cải cách, sửa đổi bổ sung theo hướng giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng...
Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Minh Hiền (Thái Bình) cho rằng ưu tiên càng nhiều đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng càng gây khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng, hoàn toàn không mang lại ưu đãi cho doanh nghiệp...
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Giảm thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa đối với doanh nghiệp Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sẽ sửa các nội dung liên quan đến 7/16 điều của Luật hiện hành, gồm 6 nhóm vấn đề với 27 nội dung. Dự kiến dự án này sẽ trình và thông qua tại kỳ họp này, trong đó có một số điểm sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ 1/7/2013 nhằm kịp thời hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Báo Tin tức xin giới thiệu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội): Chính phủ đã trình Quốc hội về việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra đối với những hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ưu đãi này áp dụng với những hợp đồng phát sinh trong giai đoạn từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014. Tuy nhiên tôi thấy rằng, đề xuất này là không khả thi bởi nếu tính toán dưới góc độ DN, nếu xây nhà ở xã hội với diện tích và giá tiền như vậy khó có thể thực hiện được. Vì vậy, cần đánh giá rõ tác động của chính sách hỗ trợ này trước khi ban hành bởi nó sẽ gây áp lực khá lớn cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Khi DN được hỗ trợ thuế, nhà sẽ bán với giá rẻ và người dân có nhu cầu sẽ mua được nhà. Hiện thị trường bất động sản theo ước tính thì tồn kho khoảng 21.000 căn hộ với lượng vốn tồn đọng hơn 140.000 tỷ đồng. “Cứu” DN bất động sản là điều cần làm nhưng nhà làm xong, NSNN lại lo phần hoàn thiện hạ tầng và nguy cơ thâm hụt sẽ xảy ra vì vậy cần phải được cân nhắc kỹ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Việc có một số ý kiến đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 5% trong lúc này rất có ý nghĩa tới người dân và DN vì nền kinh tế đang gặp khó khăn. Thuế GTGT là thuế gián thu, về bản chất là do người mua đóng thuế, DN thu hộ Nhà nước, nhưng có quan hệ với sản xuất và kinh doanh của DN. Vì vậy nếu giảm thuế VAT, người dân sẽ có cơ hội mua hàng với giá giảm, từ đó sẽ kích thích tiêu dùng, góp phần hỗ trợ thị trường sản xuất và hơn ai hết DN lại có lợi. Tuy nhiên, việc thời gian áp dụng ưu đãi thuế GTGT cũng cần được tính toán vì tâm lý người dân và DN đều muốn kéo dài, nhưng điều này sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn ngân sách Nhà nước bị thất thu. M.Phương - P.Liên |
TTN