Ngày 24/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch tăng quân gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan theo đề xuất của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Người tị nạn ở lều trại do phái bộ LHQ thiết lập ở Jabel, ngoại ô thủ đô Juba. Reuters |
Theo đó, phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) sẽ bao gồm 12.500 binh lính và 1.323 cảnh sát, tăng so với mức 7.000 quân và 900 cảnh sát như hiện nay. Số quân tăng cường được lấy từ các phái bộ của LHQ tại CHDC Congo, Darfur, Abyei, Bờ Biển Ngà và Liberia. Nghị quyết của HĐBA LHQ cũng yêu cầu tất cả các bên tại Nam Sudan phải hợp tác chặt chẽ với UNMISS khi lực lượng này thực hiện sứ mệnh ủy nhiệm của mình, nhất là bảo vệ dân thường.
Cùng ngày, trưởng phái bộ nhân đạo của LHQ tại Nam Sudan Toby Lanzer cho biết số người thiệt mạng sau hơn một tuần nổ ra xung đột bạo lực giữa quân nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar và quân đội chính phủ đã lên đến hơn 1.000 người. Cùng với đó, hơn 81.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, với điều kiện sống hết sức khó khăn.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu tại HĐBA, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tiếp tục kêu gọi các bên liên quan ở Nam Sudan nhanh chóng chấm dứt xung đột. Theo ông, đây là cuộc khủng hoảng chính trị, cần đến giải pháp chính trị và hòa bình, chứ không phải là hành động quân sự.
Về phần mình, lần đầu tiên ông Machar lên tiếng sẵn sàng chấp thuận đề xuất đàm phán mà Tổng thống Salva Kiir đưa ra, bày tỏ mong muốn Ethiopia sẽ là địa điểm trung lập cho các cuộc gặp giữa hai bên. Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Machar có các cuộc đàm thoại, tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Ethiopia Tedros Adhanom. Còn trên thực địa, quân đội chính phủ Nam Sudan cũng đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Bor, bang Jonglei từ tay quân nổi dậy mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào.
Hoài Thanh