Sản xuất giảm tốc ở Mỹ, Trung làm gia tăng lo ngại về kinh tế toàn cầu

Lo ngại gia tăng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào khó khăn hơn dự báo trong năm 2016 đã “góp phần” đẩy thị trường tài chính thế giới lao dốc.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 4/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 5/1, chứng khoán Trung Quốc mở cửa giảm điểm sau khi đã phải ngừng giao dịch sớm trong phiên trước đó theo cơ chế “tự ngắt” vì để mất đến 7% giá trị. Sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc đã kéo theo chứng khoán một loạt nước giảm điểm. Tính đến giữa buổi chiều 4/1, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã tụt hơn 400 điểm, tương đương hơn 2% mặc dù tình hình này một phần là do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Tại châu Âu, chỉ số DAX của Đức giảm 4,3%, Milan giảm 3,2%, FTSE 100 của Anh giảm 2,4%. CAC 40 của Pháp giảm 2,5 %, Stoxx Europe 600 cũng giảm 2,5%.


Bên cạnh đó còn có các báo cáo về tình trạng trì trệ kéo dài trong tháng 12/2015 của ngành sản xuất ở hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Hoạt động sản xuất đã sụt giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp tại Mỹ và tháng thứ 10 liên tiếp ở Trung Quốc. Chỉ số sản xuất cho thấy rõ ràng rằng những khó khăn tác động đến hoạt động sản xuất của Mỹ trong năm 2015 vẫn chưa hề dịu bớt. Các thị trường chính trì trệ từ Trung Quốc và Nhật Bản đến châu Âu đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Mỹ. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn do đồng USD tăng giá.


Trong khi đó, theo các chuyên gia, tình trạng đình trệ kéo dài của Trung Quốc có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn nhiều so với dự báo trước đây. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng chuyển hướng nền kinh tế sang tiêu dùng nội địa và giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu đồng thời đầu tư vào đường sá, nhà máy và bất động sản. Tuy nhiên, sự chuyển hướng vẫn còn nhiều khó khăn khi tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống còn 6,9% trong quý III/2015 - tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm.


Sự giảm tốc của Trung Quốc đã gây thiệt hại khổng lồ cho các quốc gia vốn lâu nay xuất khẩu nguyên liệu cho Trung Quốc như dầu, đồng và các kim loại khác như sắt. Hiện Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60% lượng sắt quặng của thế giới. Sự đình trệ của Trung Quốc đã kéo nền kinh tế Australia, Brazil và Malaysia cùng nhiều nền kinh tế khác vào tinh trạng khốn đốn. Nền kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 4% trong 10 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014.


Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng nhận định sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ khiến giá của nguyên vật liệu duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài đồng thời dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016 sẽ gây thất vọng và không ổn định.


Thêm vào đó, những nghi ngờ về tính chính xác của các số liệu do Chính phủ Trung Quốc cung cấp đã làm gia tăng mối lo ngại. Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể tồi tệ hơn nhiều so với các số liệu chính thức. Theo chuyên gia kinh tế Daniel Meckstroth của nhóm nghiên cứu MAPI, tăng trưởng năm 2015 của Trung Quốc có thể chưa đến 5%.


Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia còn tương đối lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ trong năm nay. Số lượng việc làm mới gia tăng đi kèm với một số dấu hiệu cho thấy các công ty trả lương cao hơn cho nhân viên có thể giúp tăng cường chi tiêu tiêu dùng. Theo nhà kinh tế Nariman Behravesh của hãng tư vấn IHS hai trong số 3 “luồng gió ngược” của nền kinh tế Mỹ sẽ sớm tan trong những tháng tới. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, đồng euro rẻ lại giúp sản xuất của châu Âu tăng trở lại trong tháng cuối cùng năm 2015 với tốc độ nhanh nhất trong vòng 20 tháng qua.


TTXVN/Tin Tức
Mở cửa phiên 5/1, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đi xuống
Mở cửa phiên 5/1, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đi xuống

Chứng khoán Trung Quốc mở cửa giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 5/1 sau khi đã phải ngừng giao dịch sớm trong phiên trước đó theo cơ chế “tự ngắt” vì để mất đến 7% giá trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN