Sáng kiến hòa bình Pháp-Đức về Ukraine sẽ được định đoạt trong 2-3 ngày

Ngày 7/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết sẽ cần “2 hoặc 3 ngày” để số phận của nỗ lực hòa bình mới do Pháp-Đức thúc đẩy tại miền Đông Ukraine được quyết định.

Phát biểu với kênh truyền hình Đức bên lề Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Steinmeier nói: “Nếu giải pháp này khả thi, nó sẽ được quyết định trong 2 hoặc 3 ngày tới”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa), Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại cuộc hội đàm ở Moskva ngày 6/2. Ảnh: THX/ TTXVN


Vị ngoại trưởng này nhấn mạnh “vẫn còn quá sớm” để dự đoán về thành công của sáng kiến ngoại giao mà Tổng thống Pháp Francois Hollande từng tuyên bố như “cơ hội cuối cùng” để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua tại Ukraine.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tiết lộ sáng kiến Pháp-Đức này được dựa trên Thỏa thuận Minsk song sẽ có nhiều chi tiết hơn trong việc triển khai và thời hạn cho một thỏa thuận khác trong tương lai. Vị quan chức này cũng bác bỏ việc Mỹ và đồng minh châu Âu có rạn nứt về khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong một diễn biến khác, theo báo "Toàn cảnh Frankfurt Chủ Nhật" (FAS) ngày 8/2, trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 6/2 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị ông Putin đóng cửa biên giới với Ukraine.

Tại cuộc gặp ở Moskva, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga không được nhắc tới, song theo FAS, để không bị cô lập, Nga phải nhanh chóng thực thi Thỏa thuận Minsk và quan trọng nhất hiện nay là đóng cửa biên giới với Ukraine.

Một trong những điểm mấu chốt tiếp theo là xác định đường giới tuyến để thực thi lệnh ngừng bắn. Phía Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ đường giới tuyến lấy theo thời điểm đạt được thỏa thuận Minsk hồi tháng 9/2014, song phía Moskva lại ủng hộ lập đường giới tuyến theo tình hình thực địa hiện nay. Trong khi đó, kể từ khi đạt được thỏa thuận Minsk tới nay, phía lực lượng ly khai đã giành được thêm hàng nghìn km2.


Ngoài các vấn đề trên, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Merkel với Tổng thống Nga và Pháp, ba nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc hỗ trợ cho người dân trong khu vực chiến sự cũng như một giải pháp hòa bình, trong đó có việc bầu cử tại các khu vực của lực lượng ly khai Đông Ukraine.

EU và Ukraine muốn bầu cử ở những khu vực này nằm dưới sự giám sát của các quan sát viên quốc tế, trong khi Nga muốn các vấn đề phải được quy định sau các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Kiev với Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk.


TN (Theo AFP/AP/Reuters)
NATO không loại trừ giải pháp quân sự tại Ukraine
NATO không loại trừ giải pháp quân sự tại Ukraine

Tư lệnh NATO tại châu Âu tuyên bố Phương Tây sẽ không loại trừ lựa chọn quân sự cho vấn đề Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN