Tỉnh Lai Châu đã đề nghị Chính phủ sắp xếp lại dân cư và các đơn vị hành chính liên quan khi di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu (xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè).
Theo ông Lò Văn Giàng, Bí Thư Tỉnh ủy Lai Châu, việc đầu tư xây dựng công trình trọng điểm quốc gia thủy điện Lai Châu cũng là thời cơ để huyện Mường Tè bố trí sắp xếp lại dân cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa; thông qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh…
Cùng với việc áp dụng những chính sách đầu tư, hỗ trợ di dân tái định cư, tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư các công trình giao thông liên vùng và hạ tầng xã hội quan trọng khác; đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp lại dân cư huyện Mường Tè và các đơn vị hành chính liên quan của tỉnh. Trên cơ sở đó, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính mới – nơi tiếp nhận dân tái định cư.
Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Lai Châu (đã được phê duyệt ngày 30/1/2011, tại Quyết định 193/QĐ-TTg), tổng số dân di chuyển đến khi hoàn thành công tác di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu tính đến hết năm 2014 (kể cả số dân sở tại phải di chuyển, số dự phòng phát sinh) được dự báo là 1.760 hộ với 7.805 khẩu.
Lai Châu là công trình thủy điện lớn, trọng điểm duy nhất của Việt Nam có toàn bộ mặt bằng công trình và vùng lòng hồ nằm trọn vẹn trên địa bàn một huyện (Mường Tè). Đặc biệt, công tác di dân, tái định cư phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016 và hoàn thành công trình vào năm 2017.
Để đảm bảo các mục tiêu tiến độ, trong vòng 5 tháng rưỡi, chính quyền huyện Mường Tè và tỉnh Lai Châu đã di dời hoàn toàn 47 hộ dân với 177 nhân khẩu sinh sống trên khu vực mặt bằng công trường rộng 1.500 ha đến nơi ở mới ổn định, góp phần quan trọng trong việc khởi công dự án thủy điện Lai Châu đúng tiến độ.
Thu Hằng