Sau 2 năm Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực thi hành: Vẫn "ngổn ngang trăm mối"

Chỉ còn 7 ngày nữa là tròn 2 năm Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành (1/7/2009). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong việc triển khai Luật BHYT, gây khó khăn cho cả cơ sở y tế lẫn người tham gia BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương (ảnh), Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh các giải pháp để sớm giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.

Đề nghị bà cho biết những vướng mắc cần tháo gỡ sau 2 năm Luật BHYT có hiệu lực thi hành?

Hiện nay, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT còn chậm, sự phối hợp liên ngành Y tế - Lao động Thương binh và Xã hội – Bảo hiểm xã hội chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng: Xác định đối tượng, lập danh sách, cấp thẻ BHYT chưa kịp thời, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Cụ thể, còn gần 2 triệu trẻ em/gần 10 triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT. Tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT, phải sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh còn khá phổ biến, khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của nhóm đối tượng này.

Các gia đình đưa bệnh nhi đi khám bệnh và làm thủ tục viện phí theo Luật BHYT tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Số người cận nghèo tham gia BHYT hiện mới chỉ đạt 692.000/khoảng 6 triệu người thuộc diện cận nghèo. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo. Nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên không có khả năng tham gia BHYT dù đã được Nhà nước hỗ trợ tới 50% mức đóng BHYT...

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội; trong thanh toán BHYT cho các trường hợp tai nạn giao thông, thực hiện quy định cùng chi trả, nhất là với nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Vẫn còn tình trạng người tham gia BHYT phàn nàn về thủ tục khám chữa bệnh phiền hà, về quy định cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến khám chữa bệnh và phân bổ thẻ khám chữa bệnh BHYT...

Thời gian tới, chúng ta sẽ giải quyết những vướng mắc này như thế nào, thưa bà?

Đối với vấn đề cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, chúng tôi vẫn liên tục đôn đốc, gửi công văn tới ngành lao động, thương binh - xã hội nhằm đẩy mạnh tiến độ bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan bảo hiểm các địa phương. Tuy nhiên, việc chậm cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng có một nguyên nhân từ phía người dân, nhiều bà mẹ “quên” không làm giấy khai sinh hoặc không chủ động đổi thẻ khám chữa bệnh miễn phí trước đây để lấy thẻ BHYT.

Trong thời điểm giao thời này, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho các đơn vị khám chữa bệnh sẽ căn cứ trên số thẻ trẻ em dưới 6 tuổi khám chữa bệnh. Những đối tượng không có thẻ nhưng xác định được là đúng trẻ em dưới 6 tuổi thì Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn phương thức thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh.

Số đối tượng tham gia BHYT đã tăng từ 39,749 triệu người năm 2008 lên 50,771 triệu người (năm 2010), đạt tỷ lệ bao phủ 60% dân số, trong đó: Có 47.0 triệu người thuộc đối tượng bắt buộc (8,1 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; 13,5 triệu người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; 9,8 triệu HSSV; 690.000 người thuộc hộ cận nghèo) và 3,7 triệu người tham gia BHYT tự nguyện. Năm 2010, số thu của quỹ BHYT đạt 25.513 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2009. Năm 2010, quỹ BHYT đã cân đối thu chi và bắt đầu có kết dư khoảng 3.100 tỷ đồng.

Đối với vấn đề thanh toán BHYT cho người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông, hiện nay, Bộ Y tế đã chuyển Dự thảo Thông tư về hướng dẫn thanh toán cho người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông sang Bộ Công an và Bộ Tài chính để xem xét ban hành. Nguyên tắc thanh toán là khi người có thẻ BHYT bị tai nạn vào viện, trong khi chưa hoặc không xác định được tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật của người bị tai nạn gây ra hay không thì quỹ BHYT vẫn thanh toán theo phạm vi quy định. Trách nhiệm xác định người đó có vi phạm pháp luật hay không thuộc về cơ quan bảo hiểm và công an.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Luật BHYT. Công tác tuyên truyền sẽ chú trọng nội dung, đối tượng, hình thức tuyên truyền, nhất là những nội dung mới của Luật BHYT, nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia BHYT, trong việc thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn, chống lạm dụng quỹ BHYT. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, bảo đảm thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh...

Xin cảm ơn bà!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN