Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Big Spring, Texas, Mỹ ngày 19/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá vàng tăng lên mức cao nhất của 12 tuần trong phiên 27/1, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc cuộc họp cùng ngày tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các diễn biến kinh tế, tài chính trên toàn cầu và giữ nguyên lãi suất - một quyết định không nằm ngoài tiên lượng của thị trường.
Vào lúc 2 giờ 55 phút sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.126,7 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 3/11. Trước khi FED ra thông báo, giá vàng giao ngay giảm 0,5%. Trong khi đó, giá vàng giao tháng Hai chốt phiên giảm 0,4%, xuống 1.115,8 USD/ounce.
FED không nhắc lại rằng các rủi ro đối với triển vọng kinh tế được cân bằng như trong thông báo trước, mà nói sẽ đánh giá xem các thị trường kinh tế và tài chính toàn cầu có tác động ra sao đến triển vọng đó. Theo Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại quý và kim loại cơ bản của BMO Capital Markets, Tai Wong, với vàng, đó là chất xúc tác đẩy giá lên.
Các nhà đầu tư đánh cược vào khả năng chỉ có một lần tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, thay vì là bốn lần như các nhà hoạch định chính sách của FED đã nói tới trong dự báo kinh tế tháng 12.
Nhà phân tích Martin Arnold ở ETF Securities cho rằng khả năng thị trường chứng khoán tiếp tục giảm và tăng trưởng kinh tế của toàn cầu bấp bênh là điều kiện tốt cho vàng bởi nhà đầu tư muốn một tài sản an toàn.
Sau khi giảm 10% trong năm 2015, năm giảm thứ ba, giá vàng cho đến nay được tạo đà bởi sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán và những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng 6% trong tháng này.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm và đồng USD mất giá cũng tác động đến giá vàng. Một đồng USD yếu sẽ khiến vàng rẻ hơn với những người đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Trong phiên giao dịch ngày 27/1, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên sau khi Nga phát đi khả năng sẽ “bắt tay” cùng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để tiến tới một thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2016 tăng 85 xu Mỹ (2,7%), lên 32,30 USD/thùng, sau khi rời khỏi mức cao nhất đạt được trong ngày là 32,84 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,3 USD (4,1%), lên 33,10 USD/thùng, sau khi có thời điểm vào giữa phiên leo lên mức 33,49 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Nga đã để ngỏ khả năng sẽ đàm phán với OPEC, sau khi các quan chức của bộ này quyết định cần có một cuộc thảo luận giữa Nga với Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC về kế hoạch hạn chế sản lượng dầu mỏ.
Trước đó, Nga - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài OPEC - không mặn mà với việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ, giữa bối cảnh Moskva vẫn đang trong cuộc chiến giành thị phần với Saudi Arabia, quốc gia có sản lượng dầu mỏ lớn nhất OPEC. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa nguồn cung quá mức, nhu cầu tiêu thụ yếu kém và triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm đã liên tục đẩy giá dầu thế giới “lao dốc” và chạm “đáy” của hơn 12 năm vào tuần trước.
Dù vậy, Andrew Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates (có trụ sở tại Texas, Mỹ) vẫn tỏ ra hoài nghi khi cho rằng các “ông lớn” trong ngành sản xuất dầu mỏ thế giới vẫn đang thận trọng theo dõi từng động thái của nhau để đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng.
Thêm vào đó, thị trường dầu mỏ trong phiên này còn được hỗ trợ bởi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 22/1 đã giảm hơn 4 triệu thùng, nằm ngoài dự báo tăng 2 triệu thùng của giới phân tích. Như vậy, tính chung cả hai phiên giao dịch vừa qua, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 6,4% và 8,5%.
Tuy nhiên, một số công ty năng lượng Mỹ cho biết họ vẫn đang cắt giảm chi tiêu và thị trường vẫn đang chờ đợi động thái cắt giảm sản lượng từ Mỹ nhằm cân bằng cán cân cung - cầu.