Vừa qua Bộ Y tế đã tiến hành ký cam kết chống kháng thuốc với tất cả lãnh đạo Bộ, đến các Cục, vụ và các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm nâng cao tinh thần sử dụng thuốc, đặc biệt là sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đã có nhiều bệnh viện ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương… Đặc biệt Tuần lễ chống kháng thuốc, tháng hành động phòng chống kháng thuốc đã được phát động với nhiều chương trình được triển khai giúp tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân về ý thức sử dụng thuốc kháng sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có ba đối tượng cần hướng đến để vận động, tuyên truyền, đó là các cán bộ y tế, người bán thuốc và bệnh nhân. Phải hạn chế được tình trạng tự ý chữa bệnh của người dân, quản lý được việc tự kê đơn của các nhà thuốc và tình trạng lạm dụng kháng sinh trong kê đơn của các bác sĩ mới có thể giảm tình trạng kháng thuốc đáng báo động như hiện nay.
Trong Luật Dược hiện hành đã có quy định cấm và có quy định cụ thể về kê đơn, Bộ Y tế cũng đã có Thông tư 08 về kê đơn đối với bác sĩ. Tuy nhiên việc dễ dãi trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Dược thời gian qua đã tạo cơ hội cho các nhà thuốc tự ý kê đơn, bán thuốc mà không có đơn của bác sỹ đã góp phần làm gia tăng tình trạng lạm dụng và kháng kháng sinh. Vì thế, ngoài các hình thức cam kết, tuyên truyền, việc quản lý chặt các hoạt động sử dụng thuốc cũng đang được triển khai thông qua Luật Dược sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trong Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội đã có quy định cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc của bác sĩ. Theo đó, các dược sĩ, nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc phải bán thuốc theo đơn, nhất là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Với người bán thuốc, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Bộ Y tế cũng chỉ đạo, thời gian tới Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Quản lý Dược sẽ phối hợp để ban hành Thông tư về kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.
Bên cạnh đó, nhằm triển khai kế hoạch phòng chống kháng thuốc, Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, thành lập 9 tiểu ban giám giát kháng thuốc và thành lập Đơn vị giám sát kháng thuốc Quốc gia. Bộ Y tế cũng đã đề nghị, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông… tăng cường phối hợp trong triển khai các hoạt động phòng chống kháng thuốc. Đặc biệt yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan xây dựng quy định về việc hạn chế, tiến tới cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Bộ Y tế kêu gọi mạnh mẽ mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Các cán bộ y tế phải tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn; không sử dụng kháng sinh cho kích thích tăng trưởng… |