Sẽ truy cứu trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan đến vụ sập cầu treo Chu Va 6; Việt Nam đã vào cuộc nhanh, tích cực, hiệu quả… trong vụ việc máy bay Malaysia mất tích vừa qua, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm… đó là những thông tin mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV1- THVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan báo chí khác.
Những điểm “nóng”
Về vụ lật cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Ngay sau khi có thông tin về vụ sập cầu, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kịp thời có mặt, phối hợp với tỉnh Lai Châu và các cơ quan liên quan triển khai cứu chữa cho người dân và khắc phục sự cố. Bộ cũng thành lập tổ công tác độc lập điều tra nguyên nhân vụ sập cầu.
“Qua nghiên cứu hồ sơ thiết kế, thi công và nghiên cứu thực tế, tổ công tác kết luận: Nguyên nhân sập cầu không phải là do người dân đi trên cầu, gây quá tải, mà do thi công không đúng thiết kế, quy trình, không đảm bảo thiết diện chịu lực. Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và UBND tỉnh Lai Châu sớm khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có liên quan như chủ đầu tư, thiết kế, thi công và giám sát. Đây cũng là lời xin lỗi thiết thực nhất với những gia đình có người bị nạn”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Với việc triển khai tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia, vấn đề “nóng” nhất của tuần qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Sau vụ máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị nâng mức bảo đảm an ninh hàng không lên cấp độ 1, tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh hàng không.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao kịp thời có những thông tin cần thiết. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật như Luật sửa đổi một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản liên quan để trình Quốc hội để sớm ban hành, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn hàng không Việt Nam.
Bênh cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp cho những người làm nhiệm vụ an ninh hàng không.
Theo Bộ trưởng, để đảm bảo an ninh hàng không, Bộ đã đề xuất sửa đổi hơn 30 điều trong Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, trong đó có nội dung tăng cường, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn những người trực tiếp đảm bảo an toàn an ninh hàng không, đảm bảo thuận lợi cho người tham gia giao thông hàng không, đồng thời đảm bảo tất cả các chuyến bay an toàn tuyệt đối.
Đảm bảo tiến độ
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, cảng hàng không quốc tế T2… Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc triển khai những dự án trọng điểm trong năm qua, Bộ đã rút ra nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ là do khâu giải phóng mặt bằng và năng lực của các chủ thể tham gia vào quá trình triển khai dự án.
“Bộ đã khắc phục bằng cách tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; siết chặt các ban quản lý dự án, nâng cao chất lượng công tác tuyên huấn tư vấn thiết kế, giám sát, thi công. Bộ cũng sẽ tổ chức phân loại ban quản lý dự án để có sự kiểm tra, giám sát. Hiện nay, các dự án trọng điểm đã khắc phục được tình trạng chậm tiến độ. Cụ thể, trong năm nay sẽ thông tuyến đường từ Hà Nội lên Lào Cai và các dự án trọng điểm khác, đảm bảo đúng, vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng".
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm, tiến độ thi công quốc lộ 1 chậm là do đây là tuyến huyết mạch của đất nước, nên vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt. Việc đền bù giải phóng mặt bằng trên tuyến này cũng phức tạp, do việc xác định lịch sử, hồ sơ đất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ. Chậm nhất là đến tháng 6, toàn bộ mặt bằng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ được bàn giao đầy đủ cho các đơn vị thi công và phấn đấu đến cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ hoàn thành”.
“Bộ GTVT đã giao cho các Thứ trưởng quản lý từng đoạn quốc lộ và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đồng thời tuyên truyền vận động người dân thấy được ý nghĩa và tầm chiến lược của việc mở rộng, nâng cấp 2 tuyến quốc lộ này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trọng Thủy