Nhờ nguồn thu từ Quỹ Bảo trì đường bộ (Quỹ BTĐB), nhiều tuyến đường giao thông trên cả nước đã được bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp kịp thời. Tuy nhiên, do nguồn thu từ Quỹ BTĐB vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn thu chi quỹ, không để tình trạng thất thoát, lãng phí.
Thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống đường địa phương có tổng chiều dài tới 205.000 km trên tổng số 222.000 km đường bộ cả nước. Hệ thống này luôn trong tình trạng cực kì khó khăn về kinh phí bảo trì, sửa chữa.
Quỹ BTĐB giúp sửa chữa nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm. Ảnh:CTV |
Cho đến năm 2012, tất cả các tỉnh đều không có nguồn tài chính cố định dành cho bảo trì đường bộ, mà hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách, vào nguồn thu hàng năm của địa phương để cân đối. Thông thường, ngân sách chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu hàng năm, với các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì còn thấp hơn nữa. Do đó, việc giúp các địa phương tạo nguồn thu Quỹ BTĐB là yếu tố quan trọng để cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn.
Ông Ngô Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: Những năm gần đây, năm nhiều nhất tỉnh chỉ có từ 8 - 10 tỷ đồng dành cho bảo trì 172 km đường bộ, 70 cây cầu và 223 km đường sông. Năm 2013, lần đầu tiên, tỉnh được Quỹ BTĐB TƯ giao về 19,4 tỷ đồng từ nguồn thu phí ô tô.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Tiền dân đóng góp phải tính toán để sử dụng hiệu quả nhất. Một đồng cũng phải chi tiêu hiệu quả, công khai, minh bạch, không được để lãng phí, thất thoát và phải thông qua Hội đồng Quỹ. Ngoài ra, từng khoản chi phải có địa chỉ rõ ràng, kiểm tra thẩm định trên thực tế trước khi quyết định chi. |
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, nguồn Quỹ BTĐB TƯ phân chia cho tỉnh trên danh mục công trình, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Với 20 tỷ đồng được cấp năm 2013, Sở GTVT đã lập thiết kế và thi công 5 tuyến là đường tỉnh 622B, 622C, 628, đường huyện từ Sông Vệ đi Phú Lâm và tuyến Thạch Trụ (Mộ Đức) đi Phổ An (Đức Phổ). Tổng chiều dài các tuyến đường sửa chữa trên 25 km.
Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương Lê Hoàng Minh đánh giá, năm đầu tiên giải ngân quỹ 2013, gần 7.000 tỷ đồng từ quỹ (trong đó có 5.500 tỷ đồng do chủ phương tiện đóng góp trực tiếp và hơn 1.470 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước) đã được phẩn bổ cho các địa phương để sửa chữa hư hỏng cục bộ trên 200 tuyến đường.Từ nguồn quỹ này, các địa phương đang tích cực đẩy nhanh hoàn thiện công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bị xuống cấp để sớm đưa vào khai thác.
Phải đảm bảo công khai, minh bạch
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ Quỹ BTĐB năm 2014 mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTĐB TƯ Đinh La Thăng nhấn mạnh, tiền Quỹ BTĐB chi cho bảo dưỡng thường xuyên, trong cơ cấu có tới 60% chi phí lương là quá lớn, không hợp lý và không thể chấp nhận. “Tiền dân đóng góp vào quỹ phải được chi trực tiếp vào đường sá. Bộ máy quá cồng kềnh, công nhân dư thừa thì phải tinh giảm, bố trí cho làm các công tác khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu Quỹ BTĐB TƯ thực thi nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa trong quản lý chi tiêu để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch hơn. Theo đó, trên cơ sở tổng chiều dài quốc lộ quản lý, Tổng cục Đường bộ xây dựng kế hoạch với đơn giá sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên được chiết giảm 50% so với năm 2013. Như vậy, số tiền chi cho bảo dưỡng thường xuyên năm nay sẽ chỉ vào khoảng 700 tỉ đồng so với gần 1.400 tỉ đồng chi năm 2013.
Nhu cầu sửa chữa, bảo trì đường bộ trên toàn mạng lưới đường quốc lộ là rất lớn, trong khi nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được. Do đó, năm 2014, Tổng cục Đường bộ sẽ ưu tiên xử lý các vị trí điểm đen có nguy cơ gây mất an toàn, các vị trí hư hỏng nền mặt đường, bộ phận kết cấu công trình và các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng.
Để giải bài toán giảm chi mà vẫn đảm bảo chất lượng bảo dưỡng đường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết: Đối với các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên, Tổng cục sẽ ưu tiên đưa cơ giới hóa, thiết bị, công nghệ hiện đại, vật liệu mới vào bảo trì đường sá để giảm chi phí. Mục tiêu của việc này là làm tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp nào, đơn vị nào có trang thiết bị cơ giới hùng hậu sẽ được đấu thầu bảo dưỡng.
Tiến Hiếu