Huyện KBang là địa phương có tỷ lệ xã thuộc diện khó khăn cao nhất tỉnh Gia Lai, các xã ở cách xa nhau, đường đi lại rất khó khăn, nên việc tổ chức các lớp ghép để huy động tối đa các em đến trường là rất cần.
Tuy nhiên, để các lớp ghép này hoạt động một cách hiệu quả và thật sự trở thành nơi chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo, là cả một quá trình cam go, đầy thử thách. Với tổng số 84 lớp ghép chủ yếu là con em đồng bào dân tộc tại chỗ, KBang hiện là địa phương có tỷ lệ lớp ghép cao nhất tỉnh, bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dạy và học đối với ngành giáo dục KBang đang gặp nhiều khó khăn.
Lớp 2 làng LoK, xã Lơ Ku (xã đặc biệt khó khăn) ở huyện KBang có trường học khang trang và thực hiện dạy song ngữ (tiếng phổ thông và Bana) nên 100% học sinh đến lớp. Ảnh: sỹ huynh - TTXVN |
Chúng tôi có mặt tại điểm trường làng ĐăkTrâu, xã Kroong (KBang) vào buổi sáng, đúng lúc cô giáo Nguyễn Thị Diệu đang say sưa giảng bài cho lớp ghép hai lớp 4 và 5, trong lòng chúng tôi bỗng dâng trào niềm cảm phục trước hình ảnh người giáo viên vùng sâu luôn bận rộn và vất vả. Cô liên tục đi qua, đi lại truyền đạt nội dung của cả hai bài học ở hai đầu bảng và không quên thi thoảng lại gần các em ân cần hướng dẫn để các em hiểu bài học hơn.
Để tạo dựng được cho các em có một nền tảng vững chắc ở những lớp học ghép này là cả một quá trình đầy chông gai, bởi cái khó của các giáo viên dạy lớp ghép là cùng một lúc phải truyền đạt kiến thức của cả hai lớp trong một buổi học. Cách dạy học này vừa tốn kém về thời gian, vừa làm cho giáo viên phân tâm không thể diễn đạt hết nội dung của bài giảng. Một cái khó nữa là phần lớn học sinh vùng sâu, vùng xa nhận thức hạn chế và chưa đồng đều, nhiều em gia đình khó khăn, ăn chưa no, nên việc học cũng không mấy mặn mà... Cô Nguyễn Thị Diệu tâm sự: "Buổi sáng tôi dạy lớp ghép 4 và 5 còn buổi chiều tôi dạy lớp 2 và 3. Trong quá trình dạy tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì các em đi học không được chuyên cần, trình độ không đồng đều... Em nào hiểu bài giảng, tôi để các em tự làm rồi kiểm tra lại. Còn đối với các em tiếp thu chậm thì phải bỏ thời gian để hướng dẫn kỹ hơn".
Điểm trường làng H’Ro cùng xã Kroong cũng là lớp ghép của 26 em học sinh lớp 1 và lớp 2. Cả lớp có 16 em học sinh lớp 2 thì trong buổi học hôm nay đã vắng đến một nửa. Cả trường Tiểu học Lê Văn Tám có 22 lớp thì đã có tới 10 lớp ghép. Từ năm 2006 đến nay chỉ giảm được 1 lớp. Tỷ lệ lớp ghép cao là do địa bàn có 23 thôn, làng nhưng lại nằm cách xa trung tâm xã, có những điểm làng cách xa tới 25 đến 40 km. Trao đổi về vấn đề này, bà Vương Thị Hội, Trưởng phòng GD - ĐT huyện KBang cho biết: "Do không đủ học sinh để mở lớp đơn nên phải bố trí lớp ghép ở khu vực thuận lợi để huy động học sinh ở các thôn, làng xa không thể đến điểm trường chính để học. Có những địa bàn chỉ 10 em học sinh cũng phải mở lớp ghép, để các em có điều kiện đến trường, ra lớp. Chúng tôi đã cố gắng thực hiện tốt giải pháp dạy học theo vùng miền và áp dụng theo đúng đối tượng học sinh".
Với đặc thù là địa phương có số xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao nên việc xóa bỏ lớp ghép là không thể, do đó giải pháp hiện nay mà ngành giáo dục huyện KBang triển khai vẫn là động viên đội ngũ giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn để bám trường, bám lớp, đổi mới phương pháp giảng dạy theo từng đối tượng để giữ vững và từng bước nâng cao dần chất lượng giáo dục trên các địa bàn vùng khó.
Nguyễn Hoài Nam