Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những hạn chế lớn về khả năng thương mại trong vấn đề khai thác nguồn tài nguyên dầu và khí đốt.
Hiện tại, dù giàn khoan Hải Dương 981 có phát hiện được nguồn dầu khí, thì tính khả thi về thương mại đối với phát hiện này còn phụ thuộc vào việc đưa nguồn khí đó ra thị trường. Chi phí này sẽ tăng lên rất nhiều do những thách thức về khoảng cách và công nghệ liên quan đến việc triển khai các đường ống dẫn dưới biển sâu.
Tàu Trung Quốc áp sát sẵn sàng đâm va, uy hiếp, ngăn cản tàu Việt Nam. |
Mạng lưới đường ống dẫn khí gần nhất của Trung Quốc nằm trên đảo Hải Nam và độ sâu sẽ khiến cho việc tiếp cận mạng lưới này rất tốn kém. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ phù hợp nhất lại là Việt Nam. Những điều kiện này cho thấy ý định của Trung Quốc, bên cạnh việc khẳng định quyền tài phán tại các vùng biển tranh chấp, là nhằm thực hiện đề xuất “khai thác chung” mà nước này thường đặt mục tiêu theo đuổi.
Ngoài ra, giàn khoan Hải Dương 981 có lẽ không được ấn tượng như quảng cáo ban đầu. Như đã đề cập ở trên, năm 2013, giàn khoan này đã phải sửa chữa đáng kể. Kết quả là nó có lẽ không có khả năng hoạt động trong mùa mưa bão từ tháng 7 đến tháng 9 như ý định ban đầu và điều này khiến người ta nghi ngờ về tuyên bố của Bắc Kinh là sẽ duy trì giàn khoan này ngoài khơi bờ biển Việt Nam đến tháng 8.
Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc sẽ chấp nhận đối mặt với những thách thức trên. Ví dụ, dựa vào sự do dự của các đối tác nước ngoài quan trọng trong việc khai thác tại các khu vực tranh chấp, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị cho việc đơn phương khai thác. Cho dù công suất giàn khoan nội địa của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu, Bắc Kinh vẫn khăng khăng rằng các công ty khai thác nước ngoài phải sử dụng các giàn khoan được đăng ký tại Trung Quốc.
Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất chi phí khá lớn nếu hợp tác với những công ty của Trung Quốc, do phải đóng 6% thuế nhập khẩu và 17% thuế giá trị gia tăng do sử dụng giàn khoan nửa chìm không được đăng ký ở Trung Quốc. Dù điều này sẽ làm giảm đáng kể năng suất khai thác và giảm lợi nhuận thương mại đối với những mỏ dầu, khí được phát hiện, nhưng nó lại có lợi cho Trung Quốc khi nước này chuẩn bị cho việc kiểm soát hoạt động khai thác xa bờ ở các vùng biển có yêu sách chủ quyền.
Rõ ràng là cho dù tồn tại những hạn chế đã đề cập ở trên và những chi phí khổng lồ mà CNOOC gặp phải nhưng Bắc Kinh đã chuẩn bị đối mặt với khó khăn để khai thác tài nguyên tại các vùng biển có yêu sách chủ quyền vì cả mục tiêu chính trị và kinh tế.
Như vậy, những giải thích về mặt chiến lược đối với thời điểm triển khai giàn khoan Hải Dương 981 có lẽ chỉ ra một sự thật đơn giản hơn: Đó là một động thái nằm trong kế hoạch phát triển nguồn năng lượng của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể kết luận rằng, hành động trên của Trung Quốc là rất “kém” về mặt thời điểm, bởi vì những chỉ trích của cộng đồng quốc tế nhằm vào Trung Quốc ngày càng tăng lên cho thấy một điều rằng chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh đã gây quan ngại đối với khu vực và thế giới. Nhưng có lẽ đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh, cái giá phải trả cho những chỉ trích của cộng đồng quốc tế thấp hơn so với tham vọng của họ ở Biển Đông.
Vũ Thanh(Theo J.F)