Sự trở lại ngoạn mục của hải quân Nga

Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ sự kiện “đau buồn” về vụ chìm tàu Koursk ngoài biển Barentz ngày 12/8/2000. Gần đây, hải quân Nga đã xuất hiện trở lại để chứng tỏ sức mạnh từ thời Liên Xô, nhất là khi cuộc chiến Syria đang nóng.

Tàu chiến chống máy bay Đô đốc Panteleyev của Nga tại Địa Trung Hải. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận định về sự phát triển của hải quân Nga, nhật báo "Le Figaro" (Pháp) mới đây cho rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô, hải quân Nga đã chìm tới đáy của khủng hoảng thiếu. Nhưng thời gian trôi đi, khủng hoảng tại Syria cho thấy chương đen tối của hải quân Nga đã trôi qua.


Sự trở lại ngoạn mục của ngoại giao Nga trong vấn đề Syria đi kèm với sự trở lại của các chiến hạm tại Địa Trung Hải. Chỉ trong tháng 8/2013, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của các tàu tấn công được trang bị tên lửa hành trình hiện đại bên cạnh các tàu gián điệp, phá ngư lôi, tuần tiễu, tiếp tế... tại vùng biển chật hẹp này. Tính đến cuối tháng 8/2013 đã có cả thảy 13 chiến hạm Nga xuất hiện tại phía đông Địa Trung Hải. Các tên tuổi lớn nhất của hải quân Nga, gồm tuần dương hạm phóng tên lửa Moskva hoặc tàu khu trục Nastoichivy, đã rời căn cứ quen thuộc tại Biển Đen để triển khai đồng loạt tại Địa Trung Hải, nơi các chiến hạm Nga đã vượt qua số lượng tàu chiến của cả Pháp và Mỹ. Sau một thời gian dài cam chịu vắng mặt, khủng hoảng tại Syria đã cho phép hải quân Nga có sự triển khai lực lượng đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ.


Sau sự kiện chìm tàu ngầm Koursk, việc tái thiết một hạm đội xứng tầm cường quốc được xem là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, người từng hứa sẽ đưa nước Nga trở lại "vị thế lãnh đạo của mọi công nghệ quân sự thế giới". Và có vẻ như sức mạnh của hải quân Nga đã xác lập tham vọng tại Địa Trung Hải, Biển Bắc và Thái Bình Dương. Ngày 16/9, Moskva đã thông báo chính thức mở lại một căn cứ quân sự bị bỏ hoang năm 1993 tại một quần đảo nằm ở phía đông Bắc Cực.


Đối với ông Putin, đó là "giai đoạn mới trong việc mở mang tuyến hàng hải phía bắc" nước Nga. Một dự án mang đậm tính chiến lược về phương diện quân sự kể từ khi khí hậu trái đất nóng lên, khiến các lớp băng lạnh giá của Bắc Cực tan chảy, tạo ra một tuyến đường thủy mới cho phép các chiến hạm Nga rút ngắn hàng chục ngày hành trình so với các tuyến truyền thống, đặc biệt là hành trình qua kênh Suez. Theo đánh giá của một đô đốc hải quân Pháp, không gian biển không bị bó hẹp bởi các thay đổi tác động đến thế giới. Khi các đường biên giới mới xuất hiện trên biển, việc biểu dương sức mạnh hải quân sẽ trở thành một công cụ ngoại giao và ông Putin nhận biết rất rõ điều này.


Tuy nhiên, chính Địa Trung Hải mới là nơi thu hút và bộc lộ mọi thèm muốn của hải quân Nga. Là căn cứ duy nhất của Moskva tại Trung Đông, cảng Tartous của Syria là một phương tiện gây ảnh hưởng khu vực quan trọng nhất của Nga. Việc triển khai đội tàu chiến Nga gần lãnh hải Syria cũng có một tác động chính trị và ngoại giao nhất định. Điều này được thể hiện ở phát biểu của Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, người đã cho rằng "đó là phản ứng bình thường của một chính phủ có lợi ích tại chỗ bị đe dọa”.


Tất nhiên, hải quân Nga vẫn chưa đạt tới các mục tiêu mà ông Putin đề ra. Các tàu chiến được triển khai tại Địa Trung Hải không phải là các tàu tối tân nhất. Các lớp sơn ngoài của tàu đều đã hoen ố. Hai tàu sân bay còn phải đợi nhiều năm nữa mới đạt tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trong khi các tàu BPC Mistral đặt mua của Pháp vẫn đang trong giai đoạn lắp ráp. Dù vậy, tham vọng của Moskva vẫn rất lớn. Một quốc gia dự định đóng thêm 15 tàu tiếp tế mới sẽ đồng nghĩa với việc có ý định triển khai lực lượng xung quanh thế giới", một đô đốc Pháp bình luận.

 

TTK

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN