Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.000 km2, với 47 dân tộc thiểu số anh em sinh sống, chiếm khoảng 33% dân số toàn tỉnh. Với địa hình là vùng đồi lượn sóng, đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, đây là vùng đất rất tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao… Do có những thuận lợi trên nên cư dân từ nhiều vùng, miền, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc, đã di cư vào Đắk Lắk để làm ăn sinh sống. Đây là lợi thế đối với Đắk Lắk, nhưng cũng là rào cản đối với tỉnh.
Phá vỡ quy hoạch
Theo đánh giá của tỉnh Đắk Lắk, đồng bào di cư tự do đến tỉnh có nhiều yếu tố tích cực trong việc phân bổ lại dân cư, bổ sung cho các địa phương trong tỉnh một lực lượng lao động dồi dào để phát triển kinh tế. Nhiều vùng đã phát huy khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, diện tích lúa nước, cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su phát triển mạnh, đời sống nhiều vùng đồng bào dân tộc khá lên. Bên cạnh đó, đồng bào di cư đã mang bản sắc văn hóa từ nhiều vùng, miền đến tỉnh, làm tăng thêm vốn văn hóa phong phú. Nhiều vùng nông thôn mới có dân di cư tự do đến đã phát triển kinh tế - xã hội ổn định, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nông nghiệp nông thôn của tỉnh.
Nhiều diện tích đất rừng nay đã phải chuyển đổi thành đất sản xuất. |
Tuy nhiên, tình trạng di cư tự do đến Đắk Lắk cũng đã ảnh hưởng đến tình hình chung của địa phương, gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là việc quy hoạch, sắp xếp, phân bổ lại dân cư trên địa bàn. Rừng bị tàn phá, kể cả rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn. Nhiều nơi đã xảy ra tranh chấp đất đai giữa dân tại chỗ và dân di cư tự do. Dân di cư tự do đến Đắk Lắk chủ yếu là hộ nghèo nên đã làm tăng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh lên cao. Đặc biệt, các hộ di cư tự do đến sống rải rác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng lõi của rừng đặc dụng, gây khó khăn cho việc lập dự án cho người dân di cư tự do của tỉnh.
Những năm qua, Đắk Lắk đã xây dựng 14 dự án sắp xếp bố trí dân cư cho người dân di cư tự do, với trên 367 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay kinh phí từ Trung ương mới “rót” về gần 90 tỷ, nên tỉnh mới chỉ hỗ trợ được cho trên 49.000 hộ ổn định cuộc sống, gần 10.000 hộ đang được triển khai thực hiện, và vẫn còn trên 6.000 hộ vẫn phải chờ kinh phí. Một khó khăn nữa là dân di cư tự do đến tỉnh nhỏ lẻ, lại hay ở vùng sâu, vùng xa nên dự án này chưa bố trí, sắp xếp xong đã phát sinh những hộ di cư tự do mới đến. Theo rà soát, hiện tỉnh Đắk Lắk còn trên 6.000 hộ, thiếu khoảng 2.000 ha đất sản xuất, và trên 22.000 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt.
Tình trạng dân di cư tự do đến làm phá vỡ quy hoạch dân cư thể hiện rõ nhất là ở xã Cư Pui (Krông Bông). Năm 1998, thôn Ea Lang (xã Cư Pui) được thành lập với khoảng 100 hộ dân di cư tự do, nhưng sau hơn 10 năm, con số này đã tăng thành hơn 500 hộ. Huyện Krông Bông phải đề nghị tách thôn Ea Lang thành 4 thôn thuộc xã Cư Pui. Song do làn sóng di cư tự do vẫn cứ ồ ạt vào nơi này, năm 2012 huyện Krông Bông lại phải tiếp tục kiến nghị thành lập xã mới. Theo ông Y Luyn Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui, quy hoạch khu dân cư liên tục bị phá vỡ khi năm nào cũng có hàng chục hộ di cư đến làm nhà tạm ở và sinh đẻ không có kế hoạch.
Còn tại huyện Ea Súp, để giải quyết tình trạng dân di cư tự do phá vỡ các quy hoạch về các khu định canh định cư, từ năm 2009 đến nay, huyện đã phải chuyển đổi hơn 40 ha rừng thành đất ở, đất sản xuất và thành lập thôn 15 tại xã Cư Kbang, để đưa khoảng 500 hộ với khoảng 3.900 khẩu vào khu định canh định cư. Mỗi hộ dân về đây được cấp từ 800 m2 - 1.000 m2 đất thổ cư, 4.000 m2 đất sản xuất cùng 2 triệu đồng hỗ trợ ban đầu. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cũng thừa nhận, tình trạng di cư tự do đến vẫn tiếp diễn mỗi ngày một đông hơn, khiến nỗ lực để tạo điều kiện cho những hộ di cư tự do có cuộc sống ổn định đối với địa phương hết sức nặng nề.
Giải pháp nào?
Để có thể giải quyết cơ bản vấn đề dân di cư tự do, theo ông Yrinh Arơng, giải pháp hiện nay là tăng cường công tác phối kết hợp chặt chẽ giữa các tỉnh có bà con di dân tự do với tỉnh Đắk Lắk, để bố trí, sắp xếp, hỗ trợ kinh phí và giải quyết dứt điểm việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu theo quy định của pháp luật, nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào. Đối với những trường hợp không chấp hành theo sự sắp xếp, bố trí của chính quyền địa phương, thì tổ chức đưa họ về tái định cư ở quê cũ. Tuy nhiên về lâu dài, cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở các tỉnh có dân di cư tự do để bà con yên tâm sinh sống ngay tại quê hương mình.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, tại Hội nghị toàn quốc rà soát các chính sách dân tộc và miền núi mới đây, hầu hết dân di cư tự do đến Đắk Lắk hiện đang cư trú và sinh sống trên quỹ đất lâm nghiệp của tỉnh, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất nông nghiệp là rất khó khăn. Việc tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Lắk được chuyển đổi mục đích sử dụng đất do dân di cư tự do khai phá mà hiện nay họ đang canh tác, có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp, để giải quyết dứt điểm việc sắp xếp các khu dân cư và bố trí đất sản xuất ổn định lâu dài, đi đôi với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao rừng theo quy định.
Cũng tại hội nghị này tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ kinh phí để địa phương triển khai các dự án quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân di cư tự do. Thực trạng tình hình dân di cư tự do hiện nay của tỉnh Đắk Lắk đang là vấn đề khó khăn và cấp bách, ảnh hưởng xấu đến các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương... Để có thể giải quyết có hiệu quả vấn đề này cần phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp hành động chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan; đặc biệt là phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, nhất là vấn đề giải quyết, bố trí nguồn vốn đề tỉnh có kinh phí sắp xếp, ổn định cuộc sống cho bà con di cư tự do.
Theo ông Yrinh Arơng, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng còn dàn trải, nguồn lực hạn chế lại chưa được tập trung nên không thể đẩy nhanh, đẩy mạnh việc xóa đói, giảm nghèo. Ví như việc thực hiện hỗ trợ bình quân ở mức tối thiểu theo hộ nên chưa giải quyết dứt điểm việc thiếu đất sản xuất. Theo Quyết định 134, mỗi hộ được hỗ trợ 5 sào, nếu hộ nào đã có 1 sào thì cấp thêm 4 sào và hộ có 3 sào thì cấp thêm 2 sào… Một hạn chế nữa của quyết định này là không tính đến số khẩu/hộ. Hộ có 3 người được cấp 5 sào và hộ có đến 10 người cũng chỉ được cấp từng ấy nên việc hỗ trợ này chưa mang tính bền vững để xóa đói giảm nghèo… |
Bài và ảnh: Trọng Thủy