Sức sống mới ở Như Xuân

Chúng tôi đến huyện Như Xuân, một trong 7 huyện nghèo nhất nước của tỉnh Thanh Hóa vào một ngày cuối năm trong tiết trời se se lạnh. Hai bên đường, đồng bào các dân tộc nơi đây đang tất bật làm đồng, chuẩn bị gieo trồng vụ đông xuân. Thỉnh thoảng lại phải lách qua những đống cát, sỏi của các công trình giao thông được đầu tư từ chương trình 135, 30a… đang gấp rút hoàn thành. Văng vẳng những tiếng cười giòn tan của đám học trò buổi tan trường… Một cuộc sống ấm no đang dần hiện hữu từng ngày.

 

An cư, lạc nghiệp


Khoảng 3 năm về trước, những hộ nghèo của Như Xuân chỉ dám ước mơ về ngôi nhà đủ để che nắng, che mưa. Chương trình 167 về hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ được triển khai tại đây từ năm 2009, đã đem lại chỗ “an cư” cho hàng nghìn hộ nghèo trên toàn huyện. Có nhà bà con yên tâm lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo.


 

Gấp rút hoàn thành con đường cấp phối vào thôn Vân Thượng, xã Cát Vân trong tháng 12 này.

Anh Bùi Văn Tuấn, cán bộ chính sách xã Yên Lễ, dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Công Thiết, dân tộc Thổ, ở thôn Mỹ Ré, xã Yên Lễ, khi mặt trời gần đứng bóng. Căn nhà rộng chừng gần 50 m2, làm bằng gỗ, mái ngói được hỗ trợ từ Chương trình 167 khang trang, vẫn cửa đóng, then cài. Phải chờ 20 phút sau chúng tôi mới thấy chị Lê Thị Xuyến, vợ anh Thiết về. Quần vẫn xắn đến đầu gối, chị tươi cười cho biết vừa đi nhổ sắn để bán cho thương lái, còn chồng chị đang đi làm thợ nề, tối mới về. Chỉ tay về phía ngôi nhà thấp lè tè, lợp gianh, vách nứa, chị Xuyến cho biết, đó là nơi trước đây 5 nhân khẩu của gia đình trú ngụ, gồm: Mẹ chồng, 2 vợ chồng và 2 con. Khổ nhất là những lúc mưa to gió lớn, nhà dột khắp nơi, phải huy động hết nồi, xoong, thau chậu ra hứng mà nước vẫn lênh láng. Mùa đông đến, gió thổi qua khe lạnh đến thấu xương, nghĩ thương mẹ già và bọn trẻ.


Năm 2009, được hỗ trợ hơn 8 triệu đồng, cộng với vốn tích cóp từ tiền công đi làm mộc, thợ nề của anh và tiền bán 0,5 ha sắn, anh chị đã có được ngôi nhà đủ “3 cứng” để ở. “Hôm khánh thành nhà vợ chồng em mừng rơi nước mắt”. Từ khi có nhà, mẹ già cũng bớt ốm đau, các cháu có góc học tập tử tế. Vợ chồng em giờ chỉ việc lo làm ăn”, chị Xuyến xúc động tâm sự.


 

Có nhà, vợ chồng chị Xuyến chuyên tâm lo làm ăn.

 

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm những hộ được hỗ trợ làm nhà từ Chương trình 167, anh Nguyễn Quang Dự, cán bộ chuyên trách Chương trình 167, thuộc Phòng Công thương của huyện Như Xuân, cho biết, giai đoạn 1 của chương trình, Như Xuân có 1.053 hộ nghèo được phê duyệt hỗ trợ làm nhà và đã hoàn thành 100% trước Tết Nguyên đán năm 2010. Giai đoạn 2011 - 2015, theo rà soát của huyện, số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo chuẩn nghèo mới là 6.742 hộ. Danh sách những hộ này đã được gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt.

 

Mở lối ấm no


Nếu như hơn 10 năm trước đây, nhiều xã của huyện Như Xuân thuộc diện ba không: Không đường, không điện và không thông tin liên lạc; thì nay diện mạo của các xã đặc biệt khó khăn này đã đổi thay nhanh chóng. Có được sự đổi thay này là nhờ sự hỗ trợ của Chương trình 135 của Chính phủ. Với việc nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… được triển khai đồng bộ, đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.


Chị Lê Thị Đức, thôn Vân Thượng, xã Cát Vân đang chăm sóc vườn rau của gia đình. Chị vui vẻ cho biết: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, gia đình tôi cũng như bà con trong xã được hỗ trợ về giống, phân bón và khoa học kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi, sản xuất. Năng suất lúa bình quân hiện nay đạt 12,5 tấn/ha, tăng 25% so với 5 năm trước. Nhờ vậy, lương thực cũng được đảm bảo, không lo đói như trước nữa”.


Con đường vào thôn Vân Thượng đang gấp rút hoàn thành, hai bên là hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố tưới tiêu cho hàng chục ha lúa và hoa màu của người dân trong thôn. Đây là kết quả đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II kéo dài và sự chung sức của người dân trong thôn bằng việc hiến đất ở, đất ruộng. Chính nhờ hệ thống kênh mương này, cánh đồng hàng chục ha của Cát Vân lâu nay không bao giờ bị khô hạn, ngay cả khi mùa khô đến. Bà Quách Thị Liên, người đã hiến hàng chục mét vuông đất cho con đường dài hơn 1 km vào thôn Vân Thượng, cho biết: “Từ khi khởi công con đường này chúng tôi mừng lắm. Từ nay, người dân trong thôn đã có đường rộng, rải đá cấp phối để đi, không còn sợ lầy lội khi trời mưa. Ô tô thu mua nông sản và vận chuyển nguyên vật liệu cũng vào được tận thôn. Tiện lợi vô cùng”.


Ông Lê Huy Thanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Như Xuân khẳng định: Nhờ hiệu quả từ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân được nâng lên từng ngày. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn liên tục giảm từ 7 - 11% mỗi năm. Đến nay, hầu hết nhà nào cũng sắm sửa được xe máy, ti vi để tiện việc đi lại và nâng cao dân trí. Theo đó, việc chăm lo sức khỏe cho người dân cũng được chú trọng với sự phát huy hiệu quả công tác khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, công tác tiêm phòng cho phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi… Trong những năm tới, với sự hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông để người dân đi lại thuận lợi hơn.


Chúng tôi rời Như Xuân với niềm vui từ sự đổi thay của cuộc sống người dân nơi đây. Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng, cùng nỗ lực của chính quyền địa phương, chắc chắn Như Xuân sẽ ngày một khởi sắc...


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN