Xuân về, vạn vật tưng bừng trong vũ điệu sinh sôi, lòng người lại bồi hồi xốn xang với bao ước mơ và hy vọng. Những ước vọng chính đáng ấy bắt nguồn từ tính chân bản thiện của con người và khi có tri thức, có đức độ, có lý trí và bản lĩnh, con người sẽ có cuộc sống ngày một chất lượng hơn, đất nước sẽ ngày càng phồn thịnh.
Nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta tự hào là con Lạc cháu Hồng của một đất nước đã từng có một xã hội phát triển vào bậc nhất trong khu vực với một nền văn minh lúa nước rực rỡ, có trống đồng Ngọc Lũ là niềm tự hào, là một giá trị tâm linh vô giá của người Việt. Chúng ta tự hào đã giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trước những cơn thác lũ đồng hóa của giặc ngoại xâm và làn sóng ngoại lai. Chúng ta tự hào đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng bao kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Tất cả như một điểm tựa, như một chìa khóa vàng để chúng ta mở cánh cửa bước tới tương lai tươi sáng một cách tự tin.
Ta khao khát có một gia đình hòa thuận, trong đó mỗi thành viên đều biết kính trên nhường dưới. Bởi hiếu thảo với cha mẹ là một nét đẹp văn hóa đã trở thành truyền thống tự bao đời, tiêu biểu cho cốt cách con người Việt Nam, là bước đi đầu tiên trên con đường hoàn thiên nhân cách và đạo đức. Con người có lòng hiếu thảo mới hội tụ đủ: “Nhân - Nghĩa - Lý - Trí – Tín” và nếu ai không có đủ các phẩm chất đó có thể được coi là không thành người. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta mãi không bao giờ thay đổi, bởi đấy không chỉ là đạo lý mà còn là cái gốc của đạo làm người. Nếu coi gia đình là tế bào của xã hội, thì yếu tố có tính quyết định sự hình thành và phát triển của gia phong chính là gia giáo. Đó cũng là nền tảng có tính cốt lõi bồi đắp nên truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc, của quốc gia. Đồng thời đó cũng là một động lực, một sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Nhìn vào văn hóa gia đình người ta có thể đánh giá văn hóa của một dân tộc, một quốc gia. Khi con người gắn bó máu thịt với gia đình thì mới biết trân quí những giá trị vật chất và tinh thần của mảnh đất ông, bà, cha, mẹ đã đổ mồ hôi, xương máu bồi đắp nên và mới biết cống hiến, hy sinh vì quê hương đất nước. Cánh đồng màu mỡ trù phú kia đâu chỉ được hình thành bằng những phù sa ngàn năm bồi lắng mà còn bằng công sức và trí tuệ của bao thế hệ và những thành quả ấy góp phần làm nên bao “Cánh đồng người” cần cù, thông minh, nhân ái và anh dũng.
Ta khao khát một xã hội văn minh, kỷ cương, tiến bộ mà mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười, mỗi hành vi của mỗi công dân, mọi phúc lợi phục vụ nhân dân đều phản ánh chuẩn mực đạo đức của xã hội mang truyền thống tự ngàn xưa: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” và “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “chí công vô tư”… mà trước hết là sự tuân thủ pháp luật của Nhà nước một cách tự nguyện, nghiêm minh và công bằng. Còn gì hơn khi mỗi người được sống và làm việc theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Mỗi người yên tâm sống và làm việc, làm giàu chính đáng trên quê hương, cái ác bị diệt trừ, mầm thiện được chăm chút, mọi người không phải nơm nớp lo sợ những tai bay vạ gió sẽ tới bất cứ lúc nào. Quyền lợi của nhân dân, lợi ích của dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Không có kho tài nguyên nào là vô hạn để cho con cháu, mà chỉ có tinh thần Việt Nam là còn mãi nếu được chăm chút từng ngày, tỉa cành khô, diệt trừ tận gốc sâu bệnh, cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Ta khao khát có một nền giáo dục vững mạnh, chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Bởi chính “sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là tương lai của dân tộc. Vì vậy không được phép tạo ra phế phẩm...” – (Giáo sư Phạm Minh Hạc). Chúng ta đã nói nhiều, cải cách nhiều nhưng chất lượng giáo dục chưa được cải thiện nhiều, tư duy trì trệ với sức ỳ nội tại quá lớn cùng căn bệnh thành tích trầm kha đã ăn sâu vào ý thức. Đội ngũ giáo viên và ngành nghề đào tạo cùng chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập. Học sinh, bên cạnh nhiều tấm gương sáng còn có những em yếu về kiến thức cơ bản, thiếu sự sáng tạo, lệch lạc về văn hóa ứng xử, thậm chí một bộ phận còn sa đọa về đạo đức. Những biểu hiện trì trệ, kinh tế manh mún, đạo đức xuống cấp… của xã hội thời gian qua chính một phần không nhỏ do kết quả giáo dục yếu kém. Mong sao giáo dục có bước nhảy vọt về quy mô giáo dục và chất lượng đào tạo, hiện đại hóa giáo dục để đào tạo ra những thế hệ đủ tài đức, ý chí cùng sự năng động, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh và hiện đại.
Và có ai trên trái đất này không khao khát một cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc. Điều đó chỉ có được ở một xã hội ổn định về chính trị, vững mạnh về kinh tế, văn minh về văn hóa, hiện đại về giáo dục, xã hội công bằng bác ái và bảo vệ trọn vẹn được lãnh thổ thiêng liêng.
Trên đất Việt thân yêu của chúng ta, mỗi bước đi, mỗi lá cây ngọn cỏ và trong từng thớ đất ta đều chạm vào lịch sử đau thương và anh dũng. Hồn thiêng những anh linh của dân tộc còn mãi với non sông. Trong chu trình tuần hoàn của đất trời, chúng ta hy vọng năm mới, đất nước ta sẽ nắm được vận hội mới để bắt đầu một chặng đường mới tốt đẹp hơn. Ta tin điều đó sẽ trở thành hiện thực. Có lẽ nào một dân tộc có một bề dày lịch sử hàng nghìn năm văn hiến đáng tự hào lại không thể làm nên kỳ tích, xây dựng đất nước ta ngày một giàu có và vững mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu?
Mùa xuân đất nước đã về trên mọi nẻo quê hương Việt Nam thân yêu, tất cả những người con đất Việt đều khát khao những điều tốt đẹp nhất đến với non sông đất nước, đến với mọi người mọi nhà. Mong sao trên dưới đồng lòng nâng niu gìn giữ khát vọng đẹp và chung tay biến khát vọng thành hiện thực.
Trần Vân Hạc